Cảnh báo tai biến nguy hiểm do bệnh tay chân miệng

Liên Châu
Liên Châu
10/10/2018 09:27 GMT+7

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn TP.Hà Nội ghi nhận tới 1.701 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM), với số mắc tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Gia tăng bệnh nhi mắc TCM
Theo báo cáo giám sát dịch của CDC Hà Nội, số mắc TCM ghi nhận duy trì ở mức cao trong các tuần liên tục gần đây, với khoảng 50 - 60 ca/tuần, trong khi các thời điểm trước đó, số ca mắc trung bình chỉ khoảng 15 - 20 ca. Các trường hợp mắc TCM tập trung ở nhóm trẻ lứa tuổi mẫu giáo mầm non. Số mắc TCM tại Hà Nội rải rác trên diện rộng tại 441 xã phường thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Hiện tại chưa phát hiện ổ dịch tập trung nhiều bệnh nhân.
[VIDEO] Cảnh báo số ca nhập viện vi bệnh Tay chân miệng tăng 5 lần
Cùng với Hà Nội, một số địa phương cũng ghi nhận các bệnh nhi mắc TCM gia tăng trong các tuần gần đây. Thông tin từ Bệnh viện (BV) đa khoa Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) cho biết, những ngày gần đây, mỗi ngày BV này tiếp nhận 10 - 20 trẻ nhỏ bị TCM được gia đình đưa đến khám, một số trường hợp nặng đã phải nhập viện điều trị nội trú theo dõi để tránh các biến chứng.
Tại BV đa khoa Quảng Ninh, bác sĩ Đỗ Thị Bích Phượng, công tác tại Khoa các bệnh nhiệt đới cho biết, khoa này cũng ghi nhận các bệnh nhi mắc TCM và các bệnh truyền nhiễm như sởi, bệnh nhi nhiễm rota vi rút nhập viện. Có thời điểm lên đến gần 20 trường hợp nội trú.
Theo khuyến cáo của CDC Hà Nội, do TCM là bệnh lưu hành chưa có vắc xin phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa nắm rõ được chu kỳ dịch trong năm, nên hoạt động phòng chống TCM đã đưa vào kế hoạch phòng chống dịch năm 2018 ngay từ cuối năm 2017 của ngành y tế. Mạng lưới y tế dự phòng tại Hà Nội thường xuyên giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc TCM tại các BV cũng như tại cộng đồng (tại hộ gia đình, đặc biệt tại các lớp học của trường mầm non mẫu giáo công và tư thục).
[VIDEO] Những điều cần biết phòng bệnh tay chân miệng
Tử vong cao nếu điều trị muộn
Tại thời điểm hiện đang vào “mùa” của bệnh TCM, cơ quan y tế trên địa bàn TP.Hà Nội đã tăng cường việc kiểm tra giám sát việc thực hiện phòng chống dịch bệnh TCM tại các trường mầm non, mẫu giáo và điều tra, xử lý ổ dịch của tuyến y tế cơ sở; đảm bảo đủ hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm... đáp ứng phòng chống TCM.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội, cho biết toàn thành phố đã tổ chức 2 đợt cao điểm về vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng chống TCM tại tất cả các trường mầm non, cơ sở chăm sóc trẻ trên địa bàn toàn thành phố. Đợt 1 thực hiện trong hai tháng 3 - 4 đầu năm nay và đợt 2 được triển khai ngay trong thời điểm đầu năm học mới (từ 1 - 30.9) mới đây.
Ông Cảm lưu ý, để đạt hiệu quả phòng dịch, sau khi kết thúc chiến dịch, các trường vẫn duy trì thường xuyên việc thực hiện tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng chống dịch hàng tuần.
Theo khuyến cáo của cơ quan y tế, TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em, vi rút gây bệnh TCM dễ lây theo đường tiêu hoá. Bệnh thường tăng cao, dễ phát triển thành dịch từ tháng 4 - 5 và từ tháng 9 - 11 hàng năm. Bệnh hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Các bác sĩ lưu ý, để phòng biến chứng do các bệnh TCM và các bệnh truyền nhiễm được dự báo gia tăng, các gia đình cần lưu ý: khi thấy trẻ có các biểu hiện sốt cao trên 39 độ, nổi mụn chân, tay, người; giật mình khi ngủ,... nên đưa con tới khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời và dứt điểm.
Bệnh TCM thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Khi mắc bệnh, trẻ thường có biểu hiện ban đầu bằng sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, nổi phỏng (bóng) nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân chân, gối và mông. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.