Cảnh báo cơ thể bị mất can xi do uống nước ngọt

26/11/2018 16:24 GMT+7

Theo Cục Y tế dự phòng, có đến 31% học sinh từ 13 - 17 tuổi uống nước uống ngọt có gas từ 1 lần trở lên trong ngày.

Xu hướng tăng mức “nạp” đồ uống có đường, lười vận động gây bệnh béo phì và các bệnh về chuyển hóa ở trẻ.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các điều tra về khẩu phần ăn cho thấy, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 g đường/ngày cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ nên dưới 25g/ngày (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới). Còn qua điều tra về mức sống của hộ gia đình Việt Nam cho thấy 62,86% số hộ gia đình có tiêu dùng nước giải khát có đường. Kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh năm 2013, tỷ lệ học sinh VN thường xuyên sử dụng đồ uống có gas trong vòng 30 ngày của lứa tuổi 13 - 17 trung bình là 31,1%, trong đó trẻ em nam là 35,1%, trẻ em gái là 27,6%.
PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia lo ngại khi xu hướng dùng nước ngọt có gas gia tăng ở trẻ em. Thói quen sử dụng nước ngọt không giảm xuống mà có xu hướng tăng lên trong khi nước ngọt có gas mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe. “Ví như một em học sinh trung học năng lượng nhu cầu là khoảng 2.000 kcal/ngày thì lượng đường nạp vào chỉ nên ở ngưỡng 25 gram. Trong khi đó, 1 lon nước ngọt (tùy loại) đã có 36 - 42 gram đường, thậm chí có loại nước ngọt lên đến 56 gram đường.
“Chỉ cần mỗi ngày trẻ uống 1 món đồ uống ngọt có gas như vậy thì tỷ lệ đường nạp vào cơ thể đã vượt ngưỡng rất nhiều mức khuyến cáo. Ngoài ra còn “thu nạp” đường từ các thực phẩm chế biến sẵn, gia vị khác. Mỗi ngày, lượng đường dư sẽ góp phần tạo mỡ, thừa năng lượng gây béo phì, gây các bệnh rối loạn chuyển hóa”, PGS Mai lưu ý.
PGS Bạch Mai cũng cho rằng, không chỉ nguy hiểm ở việc nạp nhiều đường mà trẻ uống quá nhiều nước ngọt có gas sẽ làm tăng đào thải can xi qua nước tiểu. Trong khi chế độ ăn hằng ngày của trẻ vẫn chưa đáp ứng được lượng can xi cần thiết, tức là nguồn can xi đầu vào vốn rất thiếu, lại thêm uống nhiều nước ngọt có gas khiến việc đào thải can xi nhanh càng khiến trẻ thiếu can xi, dẫn đến còi xương. Do đó, những trẻ này không phát triển nhiều về chiều cao, trong khi đó, bề ngang lại phát tướng vì nước ngọt có hàm lượng đường rất cao, dễ gây béo phì.
Trẻ bụ vẫn bị thiếu hụt can xi
Với trẻ nhỏ, bác sĩ của khoa Nhi (Bệnh viện E) chia sẻ thêm, uống nước rất có lợi cho sức khỏe của bé nhưng uống bao nhiêu là đủ và những loại nước nào tốt hoặc không tốt cho bé thì không phải bậc cha mẹ nào cũng biết. Theo đó, các bé từ 2 - 3 tuổi trở lên đã biết biểu đạt nhu cầu khát nước, đòi uống nước. Vì vậy, ngay ở lứa tuổi này, các bậc phụ huynh phải là người hướng con đến uống sử dụng nước uống tốt cho con, tránh ảnh hưởng đến tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Có 2 loại nước uống mà các bậc phụ huynh cần tuyệt đối không nên cho trẻ sử dụng gồm nước ngọt có gas và nước có chứa caffeine. Cụ thể, với nước ngọt có gas, điều nguy hiểm nhất khi cho trẻ uống quá nhiều nước ngọt có gas, đó là sẽ làm tăng đào thải can xi qua nước tiểu.
Do đó, những trẻ này rất dễ bị thiếu can xi, làm cơ thể không có đủ can xi để tăng chiều cao, trong khi đó, bề ngang lại phát phì vì các loại nước ngọt này có hàm lượng đường rất cao.
Ngoài ra, nhiều trẻ có thể uống vài lon nước ngọt mỗi ngày nhưng nhất định không chịu uống sữa hoặc ăn các bữa chính đầy đủ. Nhìn con bụ bẫm, khỏe mạnh nhiều mẹ không thể ngờ tới rằng con mình đang thiếu hụt can xi hoặc đang thấp hơn chuẩn.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, dễ bị rối loạn khi uống đồ uống có caffeine; trẻ cũng cần giấc ngủ sâu để phát triển nên dùng các chất kích thích thần kinh có cafeine như trà, càphê là không có lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.