Cách nhận biết và phòng ngừa sán dây lợn

06/04/2019 04:33 GMT+7

Việc phòng nhiễm sán/ấu trùng sán dây lợn sẽ đơn giản hơn nhiều so với việc điều trị, đặc biệt khi bị nhiễm ấu trùng này.

Ăn uống, sinh hoạt phải đảm bảo vệ sinh

Theo Bộ Y tế, bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn (SDL) liên quan nhiều đến thói quen ăn uống thịt lợn hoặc thịt trâu bò chưa nấu chín. Ít nhất 55 tỉnh thành hiện đã ghi nhận có ca bệnh này.
TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, Hà Nội), cho biết nguyên nhân gây SDL trưởng thành do ăn phải thịt lợn, bò có ấu trùng sán chưa nấu chín. Ấu trùng vào cơ thể nở thành sán sống tại ruột. SDL trưởng thành trung bình dài 2 - 3 m và thường có khoảng 300 - 500 đốt sán. Sau vài tháng, vài năm, sán sẽ rụng đốt.
“Mỗi đốt SDL dài khoảng 1 - 2 cm là một ổ trứng khổng lồ với khoảng 500.000 trứng theo phân ra ngoài môi trường, là nguồn gây nhiễm bệnh cho người qua các thói quen ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh”, TS Dũng lưu ý.
Chuyên gia về ký sinh trùng cũng chỉ rõ nguyên nhân gây nhiễm ấu trùng SDL, đó là khi ăn phải trứng sán nhiễm trong thức ăn không đảm bảo vệ sinh; hoặc ăn rau sống bị nhiễm ấu trùng này (thường là các loại rau được bón bằng phân tươi). Nguồn nước cũng có thể nhiễm ấu trùng SDL do quản lý chất thải từ người nhiễm sán. Các loại cây thủy canh như: rau cần, cải xoong, rau muống, rau ngổ... nếu trồng, tưới bằng nguồn nước bị ô nhiễm cũng mang ấu trùng này. Bàn tay bẩn bị bám dính ấu trùng; uống nước nấu không sôi cũng gây nhiễm ấu trùng SDL cho người qua ăn uống.
Theo TS Dũng, hằng năm Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư ghi nhận 300 - 400 bệnh nhân ấu trùng SDL đến khám và điều trị.

Triệu chứng và hướng điều trị

Để phòng nhiễm SDL trưởng thành: Không ăn thịt lợn, gan lợn hoặc thịt trâu bò chưa nấu chín. Người nhiễm SDL cần thiết được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện (có đốt sán ra theo phân hoặc đốt sán ra quần lót/quần đùi); cần xử lý những con sán được tẩy ra.
Để phòng bệnh ấu trùng SDL: Không ăn rau sống, không uống nước lã. Ấu trùng SDL chết khi đun nấu ở nhiệt độ 750C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong 2 phút. Bệnh được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole.
(Nguồn: Bộ Y tế)
Người dân cần đi khám khi quan sát thấy đốt sán trong chất thải, có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm sán như: đau bụng kéo dài, rối loạn tiêu hóa. Bệnh nhân được xét nghiệm phân để tìm trứng sán, đốt sán nhằm xác định bệnh và có chỉ định điều trị.
Tùy thuộc vị trí ấu trùng ký sinh, người nhiễm ấu trùng SDL xuất hiện các triệu chứng bệnh khác nhau. Nếu sống trong não, ấu trùng gây động kinh, liệt, nói ngọng, rối loạn ý thức, đau đầu dữ dội. Khi cư trú ở mắt, chúng gây tăng nhãn áp, giảm thị lực, nhìn đôi, đau mắt. Khi soi đáy mắt sẽ thấy ấu trùng.
Ấu trùng cư trú ở cơ (dưới da) sẽ xuất hiện các nang dưới da với kích thước như hạt ngô (0,5 - 2 cm), di động dễ dàng, thường không ngứa. Các nang này dễ gặp ở cơ bắp tay, chân hoặc cơ liên sườn, cơ lưng, ngực và có thể gây máy, giật cơ.
Để xác định nhiễm ấu trùng SDL, người nghi mắc cần đến các cơ sở chuyên ngành khám và làm xét nghiệm để chẩn đoán và điều trị. Người bệnh sẽ được hỏi về tiền sử bệnh, các triệu chứng bệnh; được làm xét nghiệm về miễn dịch học như Ab-ELISA để sàng lọc những người đã từng phơi nhiễm ấu trùng SDL. Bệnh nhân có thể sẽ tiếp tục được làm xét nghiệm như Ag-ELISA để khẳng định đang nhiễm ấu trùng này và có thể được làm thêm siêu âm, X-quang giúp phát hiện các nang sán trong cơ thể; hoặc chụp CT, MRI phát hiện nang sán trong não.
Điều trị bệnh SDL trưởng thành không phức tạp, chỉ dùng một liều thuốc đặc hiệu. Nhưng với trường hợp nhiễm ấu trùng SDL cần dựa vào phác đồ của Bộ Y tế và phải điều trị kéo dài tùy từng trường hợp do phụ thuộc khả năng đáp ứng với thuốc.
Việc điều trị nên được thực hiện ở cơ sở y tế trang bị phương tiện cấp cứu tốt, có bác sĩ chuyên khoa theo dõi nhận biết việc đáp ứng điều trị cũng như các phản ứng không mong muốn khi dùng thuốc để điều chỉnh phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.