Các mẹo chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng

31/03/2016 08:39 GMT+7

Tháng 4 được xem là đỉnh dịch của bệnh tay chân miệng (TCM). Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) “mách” cho phụ huynh các mẹo chăm sóc trẻ bị bệnh TCM.

Tháng 4 được xem là đỉnh dịch của bệnh tay chân miệng (TCM). Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) “mách” cho phụ huynh các mẹo chăm sóc trẻ bị bệnh TCM.

Trẻ bị TCM nổi các mụn nước ở lòng bàn tay - Ảnh; Nguyên MiTrẻ bị TCM nổi các mụn nước ở lòng bàn tay - Ảnh; Nguyên Mi
“TCM là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, càng nhỏ càng dễ nặng. Đa số trẻ sẽ tự khỏi trong 7-10 ngày”, bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc trẻ bị bệnh TCM:
1. Nổi mụn nước nhiều quá
Việc trẻ nổi ngày càng nhiều làm phụ huynh lo lắng nhưng thường nổi nhiều lại nhẹ hơn nổi ít. Không cần bôi thuốc xanh vì bôi cũng không có tác dụng gì mà lúc khám bác sĩ nhìn lại khó nhận biệt mụn nước do gì. Tắm rửa như bình thường, đến ngày mụn sẽ khô.
2. Kháng sinh - Vitamin
Nếu không loét miệng nhiều gây bội nhiễm thì không cần uống kháng sinh. Vitamin cũng không cần thiết uống, khi trẻ đang đau miệng mà ép uống trẻ sẽ đau thêm.
3. Ngủ lăn qua lăn lại, khóc chút chút
Đau họng do vết loét: phụ huynh lấy gói Grangel (thuốc dạ dày) bỏ vào ngăn mát tủ lạnh rồi cho trẻ ngậm hay chấm vào vết loét sẽ hết đau. Ngứa ngáy quá do kiêng không tắm.
4. Không chịu ăn
Do miệng đau nên làm thức ăn chờ nguội hẳn hay làm mát mới dễ ăn cho trẻ. Không ăn nóng, ăn cay, ăn chua.
“Phụ huynh cần bình tĩnh. Thường sau ngày thứ 4 trẻ sẽ tươi lên, nếu không giật mình không sốt cao thì trẻ sẽ ổn dần và khỏi bệnh”, bác sĩ Khanh nói.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Các dấu hiệu nghi ngờ bệnh là: Trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miệng, khóc, nói đau miệng; sốt 1-2 ngày. Sau khi hết sốt, trẻ bị nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối và lỡ trong miệng.
“Khi trẻ có những biểu hiệu này, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán có đúng bị bệnh TCM không”, bác sĩ Khanh nói.
Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, trẻ sẽ sốt hơn 2 ngày (sốt hơn 39 độ, uống thuốc hạ sốt nhưng không hết), nôn/nhợn ói. Sau đó trẻ sẽ bị giật mình chới với; đi không vững, tay chân yếu, người run.
“Phụ huynh cần phân biệt giật mình chới với biểu hiện của bệnh TCM tức là lúc thiu thiu ngủ, trẻ bị nẫy người; còn trong trường hợp trẻ giật mình lăn qua lăn lại khi ngủ sâu là không phải”, bác sĩ Khanh giải thích thêm.
Khi đã có những biểu hiện trên, bác sĩ Khanh khuyến cáo phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
“Để bệnh quá nặng, trẻ sẽ thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hay quá nhanh. Lúc này bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ”, bác sĩ Khanh nói.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hướng dẫn người dân biện pháp phòng bệnh như sau:

Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả trẻ em và người lớn, đặc biệt là người trông trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt.

Thu gom và xử lý chất thải của trẻ đổ vào nhà vệ sinh.

Trong trường hợp trẻ bị bệnh phải nghỉ học ít nhất là 10 ngày và phụ huynh báo ngay cho giáo viên để thực hiện các biện pháp khử trùng, tránh lây lan cho bé khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.