Các bác sĩ dũng cảm vượt siêu bão Harvey để cứu chữa bệnh nhân ung thư

05/09/2017 13:21 GMT+7

Siêu bão Harvey vẫn không làm chùn bước các bác sĩ chuyên khoa ung thư trong việc đi đến Trung Tâm điều Trị MD Anderson (thành phố Houston, bang Texas, Mỹ) để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân giai đoạn cuối.

Báo điện tử STAT vừa đưa tin, thời gian rất quý giá đối với bệnh nhân ung thư da giai đoạn cuối. Bệnh nhân là một trong 50 người bệnh đang được điều trị thử nghiệm giai đoạn II của liệu pháp tế bào T-Cells thích ứng. Trong phương pháp trị liệu miễn dịch này, các chuyên gia cấy ghép khối u để tạo ra các tế bào T-Cells tiềm năng có khả năng nhận diện và giết tế bào ung thư.
Các nhà khoa học đã cấy ghép hàng tỉ tế bào trong phòng thí nghiệm hiện đại trong nhiều tháng nay. Các bác sĩ đã thực hiện hóa trị để làm suy yếu khối u ung thư. Hiện, đến giai đoạn quan trọng nhất là truyền tế bào được cấy ghép và nuôi trong phòng thí nghiệm vào cơ thể người bệnh. Nếu phương pháp điều trị thử nghiệm này hiệu quả thì bác sĩ Adi Diab sẽ cứu được bệnh nhân bị ung thư da giai đoạn cuối.
Bệnh nhân ung thư da tham gia điều trị đã phải đi hơn 160 km từ bang Louisiana ở miền nam nước Mỹ để đi đến Trung Tâm điều trị MD Anderson (thành phố Houston, bang Texas, Mỹ) để được thử nghiệm lâm sàng liệu pháp tế bào T-Cells thích ứng.
Giữa giai đoạn hóa trị, siêu bão Harvey đã tấn công hai bang Texas and Louisiana. Tuy nhiên, siêu bão thập niên không thể làm chùn bước các bác sĩ chuyên khoa ung thư trong việc đi đến Trung Tâm điều Trị MD Anderson để tiếp tục điều trị cho bệnh nhân giai đoạn cuối.
"Sự trì hoãn điều trị sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Vì vậy, các bác sĩ đã quyết định vẫn tiếp tục và tìm cách đến trung tâm đã bị lụt do siêu bão gây ra. Đây là hành động thật nguy hiểm, thậm chí đánh đổi tính mạng khi đi khỏi nhà trong cơn siêu bão lúc này", STAT  nhận định.
Đội ngũ y tế tình nguyện đến vùng bão hỗ trợ các nạn nhân Reuters
Diab, một bác sĩ chuyên khoa ung thư da, chia sẻ: "Chúng tôi luôn hứa với bệnh nhân chúng tôi rằng họ sẽ không bao giờ bị bỏ rơi. Thật sự tôi không biết mất bao lâu để đi đến đó nhưng tôi phải đi. Tôi cần ở bên cạnh bệnh nhân tôi".
Bác sĩ Diab là một trong sáu người (gồm hai bác sĩ, một y tá và ba kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm) đang thực hiện phương pháp điều trị thử nghiệm cho bệnh nhân ung thư da này.
Chặng đường gian nan
Vào sáng thứ hai, nhiều con đường ở thành phố Houston bị ngập sâu. Diab phải đi bộ khoảng 5 km một cách khó nhọc trong dòng nước ngập cao từ nhà đến trung tâm.
Khoảng 10 giờ sáng, bác sĩ Diab đã đến được trung tâm.
Nhiều con đường bị ngập sâu sau bão Harvey khiến giao thông vô cùng khó khăn và nguy hiểm Reuteurs
Lúc đó, nhà khoa học Marie-Andree Forget, một trong sáu người trong đội điều trị, cũng đã có mặt trong phòng thí nghiệm để chuẩn bị truyền tế bào T-Cell vào bệnh nhân. Bà cũng phải đến trung tâm để kiểm tra 14,5 tỉ tế bào T-Cells đã được cấy ghép, xem chúng đã an toàn để truyền cho bệnh nhân chưa.
Bà Forget cũng đã đi bộ rất vất vả và không kém phần nguy hiểm.
"Tôi thật sự căng thẳng trong những ngày cuối tuần. Đó không phải vì siêu bão Harvey với những dòng nước càng trở nên lớn và mạnh mẽ, mà vì cuộc sống của bệnh nhân", bà Forget nói.
Cách đây hai tháng, các nhà khoa học ở phòng thí nghiệm của Forget đã lấy một khối u ra khỏi cơ thể bệnh nhân, cắt nó thành nhiều phần nhỏ và đặt vào đĩa trong phòng thí nghiệm để nuôi cấy. Qua vài tuần, tế bào T-Cells đã phát triển thành hàng triệu. Sau đó, các nhà nhà khoa học đã đông cứng chúng cho đến khi thích hợp để truyền vào bệnh nhân. Các tế bào này được tiêm vào cơ thể người bệnh sẽ trở thành "những người lính" sẵn sàng tấn công các khối ung thư.
Khoảng 5 giờ chiều, bệnh nhân đã được truyền tế bào vào cơ thể. Quy trình truyền như truyền máu. Khi bệnh nhân được truyền tế bào T-Cells, các bác sĩ cũng đã quyết định tiêm một liều Interleukin-2 - một tái tổ hợp protein để tăng cường hệ miễn dịch trong suốt thời gian điều trị giúp tấn công tế bào ung thư.
Những ngày sau khi truyền, sức khỏe bệnh nhân đang hồi phục tốt. Trong bước điều trị kế tiếp, bệnh nhân sẽ được tiêm thêm Interleukin-2.
Theo bác sĩ Diab, để bệnh nhân khỏe mạnh và phục hồi sức khỏe như ban đầu vẫn còn một quá trình lâu dài. Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định đội ngũ của họ sẵn sàng đi cùng với bệnh nhân cho dù có lâu dài và vất vả đến đâu.

tin liên quan

Ngừa ung thư da bằng vitamin B3
Theo nghiên cứu được công bố trên chuyên san Photodermatology, Photoimmunology & Photomedicine, liệu pháp sử dụng một dạng vitamin B3 có thể ngăn ngừa u ác tính - một loại ung thư da chết người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.