Cá rô sống trôi tuột vào họng

29/07/2013 17:15 GMT+7

(TNO) Bắt được 2 con cá, anh Khá ngậm vào miệng để đưa lên bờ. Trong lúc đùa giỡn với bạn, anh Khá sơ ý cười thì một con cá rơi ra, con còn lại chui vào vùng họng.

Ngày 29.7, bác sĩ Trần Phan Chung Thủy, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết khoa vừa phẫu thuật thành công trường hợp hi hữu bị cá rô sống chui vào họng. Dị vật cá rô dài khoảng 10 cm, nằm ở ngã 3 đường ăn và đường thở. Đầu cá rô vừa vào tới miệng thanh quản.

Trước đó, chiều 27.7 khi hết giờ làm, bệnh nhân Trịnh Ngọc Khá (34 tuổi, ở Bến Lức, Long An) đi thả chài với bạn, bắt được 2 con cá anh Khá đưa vào miệng ngậm để đưa lên bờ. Trong lúc đùa giỡn với bạn, anh Khá sơ ý cười thì một con cá rơi ra, con còn lại chui vào vùng họng.

Bệnh nhân nhập Bệnh viện Triều An trong tình trạng không nuốt, không nói được, khó thở nhẹ.

Các bác sĩ nội soi phát hiện thấy cá rô vướng ở vùng hạ họng khó gắp nên đã chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được đưa đi mổ cấp cứu bằng phương pháp mở khí quản sau đó tiến hành nội soi thanh quản treo gắp dị vật. Do vảy cá rô cắm vào vùng hạ họng thanh quản nên các bác sĩ phải tiến hành lấy hết vảy cá sau khi đưa dị vật ra ngoài.

Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, không sưng đau cổ, ăn uống bằng miệng được.

Bệnh nhân và ê kíp Bác sĩ phẫu thuật
Bệnh nhân và ê kíp bác sĩ phẫu thuật

Với trường hợp anh Khá, nếu không phẫu thuật kịp thời thì chỉ 4-5 tiếng sau bệnh nhân sẽ bị phù nề và bít đường thở, lúc đó việc cứu chữa sẽ rất khó khăn.

Qua đó, bác sĩ Trần Phan Chung Thủy lưu ý không nên ngậm cá ở miệng vì da cá trơn sẽ dễ chui tuột vào vùng họng và thực quản, với các trường hợp chặn đường thở sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tin, ảnh: Hà Minh

>> Suýt tắt thở vì cá rô sống chui vào họng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.