BV Chợ Rẫy: Dùng mảnh ghép in 3D để thay thế xương chày cho bệnh nhân ung thư

Duy Tính
Duy Tính
05/01/2021 18:52 GMT+7

Mảnh ghép in 3D hợp kim titanium dạng tổ ong để thay thế đoạn xương bị ung thư sẽ có nhiều ưu việt so với một số mảnh ghép xương bằng vật liệu khác.

Ngày 5.1, Bệnh viện Chợ rẫy TP.HCM đã thông tin về việc sử dụng mảnh ghép in 3D hợp kim titanium dạng tổ ong để thay thế xương chày mất đoạn cho bệnh nhân ung thư xương. Đây là kỹ thuật mới tại Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.

Sử dụng cho bệnh nhân ung thư xương

Bác sĩ Lê Văn Tuấn, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết nam bệnh nhân (33 tuổi, ngụ Quảng Nam) đến bệnh viện khám vì khối u đầu trên xương chày (ngay cực trên của xương cẳng chân), chân trái to dần, gây hạn chế vận động khớp gối.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy bệnh nhân bị Sarcoma xương (ung thư xương ác tính) nên bệnh viện tiến hành hóa trị cho bệnh nhân.
Sau đó tiến hành phẫu thuật cắt trọn khối u xương, đặt loại xi măng kháng sinh và đặt khung cố định ngoài qua gối cho bệnh nhân. Như vậy, chiều dài hổng đầu trên xương chày là 11 cm.
Bác sĩ của Khoa Chấn thương chỉnh hình đã trao đổi với đơn vị hợp tác là Viện nghiên cứu CSIRO (Úc), tiến hành thiết kế xương thay thế phù hợp với bệnh nhân (bác sĩ Việt Nam thiết kế bản in 3D, 80% dưới sự hỗ trợ từ Úc).
Sau đó phía Úc đúc mảnh ghép in 3D hợp kim titanium dạng tổ ong gửi Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép vào chân bệnh nhân thay đế đoạn xương chày có khối u bị cắt bỏ. Hiện bệnh nhân đi lại, tự sinh hoạt được, trừ phần co duỗi của đầu gối.
Trị giá mảnh ghép in 3D hợp kim titanium dạng tổ ong là 2.500 USD (hơn 57 triệu đồng), nhưng do bệnh nhân nghèo nên bệnh viện đã làm miễn phí. Tương lai nếu nhập được máy in 3D này về thì sẽ chế tác, in tại Việt Nam.

Mảnh ghép in 3D hợp kim titanium dạng tổ ong có nhiều ưu việt

Theo các bác sĩ, trước đây, bệnh nhân ung thư xương chày như bệnh nhân trên thì sẽ lấy một phần xương đùi chuyển xuống, nhưng như vậy trục xương chân thay đổi ảnh hưởng sự đi lại của bệnh nhân.
Ngoài ra, vết mổ lấy xương sẽ lớn, gây chảy máu nhiều, khó cầm và nguy cơ nhiễm trùng cao. Nếu đặt mảnh ghép vào nếu cấu xạ trị, hóa trị tiếp thì sẽ ảnh hưởng đến việc hồi phục của mảnh ghép.
Còn với mảnh ghép in 3D hợp kim titanium dạng tổ ong thì không sợ hóa trị, xạ trị. Mặc khác, dạng tổ ong nhẹ nhưng cứng, bền và tốt. Dạng tổ ong sẽ giúp tế bào xương đi vào sinh sôi và tổ ong trở thành phần cơ thể của bệnh nhân, đồng hóa mảnh ghép với cơ thể. Nếu dùng mảnh ghép đặc thì sẽ mang tính chất cơ học là chính.
Cũng theo bác sĩ, sau ca này, Bệnh viện Chợ Rẫy hướng đến ký kết hợp tác lâu dài với Viện nghiên cứu CSIRO (Úc).
 

Úc đã thành công từ năm 2015

Theo các bác sĩ, năm 2015, Jungo Imanishi và cộng sự đã báo cáo ca lâm sàng thay thế xương gót ở bệnh nhân bị ung thư xương ác tính bằng mảnh ghép titanium in 3D tại Viện nghiên cứu CSIRO (Úc). Kết quả hậu phẫu 5 tháng không ghi nhận biến chứng nghiêm trọng và u không tái phát, bệnh nhân có thể đi lại mặc dù tầm vận động còn hạn chế.
Năm 2015, José L. Aranda và cộng sự đã thực hiện cắt trọn bướu Sarcoma thành ngực và tái tạo khớp ức sườn bằng mảnh ghép titanium in 3D tại Viện nghiên cứu CSIRO (Úc). Quá trình hậu phẫu diễn ra thuận lợi, sau mổ 12 ngày, bệnh nhân được xuất viện với chức năng hô hấp phục hồi và hình dạng thành ngực được bảo tồn.
Tại Việt Nam, năm 2019, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) đã báo cáo 2 trường hợp ghép xương đùi nhân tạo bằng kỹ thuật in 3D khuôn đúc kim loại để tạo mảnh ghép vật liệu PEEK.
Tháng 3. 2020, Bệnh viện K (Hà Nội) đã báo cáo trường hợp thay toàn bộ xương đùi qua ứng dụng thiết kế 3D khớp nhân tạo dạng module cấu tạo đặc điều trị bệnh nhân ung thư xương đùi.
Tháng 8.2020, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) đã báo cáo trường hợp thay khớp gối dạng module kèm ghép xương kim loại đặc cho bệnh nhân ung thư xương đùi.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ý tưởng thực hiện mảnh ghép in 3D được thực nghiệm trên thỏ từ tháng 5.2018, nghiên cứu và chuẩn bị trên người từ tháng 8.2019 mà khởi đầu là hợp tác với Viện nghiên cứu CSIRO (Úc), cử bác sĩ sang đây học tập, nghiên cứu trước khi làm trên người.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.