Bổ ngửa vì... thuốc bổ óc

21/10/2009 10:14 GMT+7

Nhiều người, đặc biệt là SV, luôn mong muốn có một trí nhớ minh mẫn. Tuy nhiên, nếu nhờ cậy đến loại thuốc tăng cường trí nhớ hay còn gọi “thuốc bổ óc” thì không nên. Những cảnh báo về việc lạm dụng thuốc bổ óc ở nhiều người trẻ.

Không chỉ ở nước ta mà hiện nay nhiều nước trên thế giới, hiện tượng SV sử dụng “thuốc bổ óc” để tăng trí nhớ trong mùa thi đang trở thành một vấn đề sức khỏe rất đáng lo ngại.

Tại Mỹ, khảo sát cho thấy nhiều trường đại học có tỉ lệ SV sử dụng thuốc lên đến 25%. Tại Anh, tình hình lạm dụng thuốc bổ óc cũng có chiều hướng gia tăng, như báo động của Viện hàn lâm Y dược học Anh.

Nhiều biệt dược mà giới trẻ phương Tây thường dùng để “doping” trí não được kể là Dexedrine, Ritalin, Aricept, Nootropil... Các thuốc này đều là thuốc chữa bệnh, được bác sĩ chỉ định dùng rất thận trọng và hạn chế, dùng tùy tiện, dùng sai sẽ gây tác hại khôn lường.

Trí nhớ tốt phụ thuộc vào gì?

Đối với các bạn trẻ đang học tập, thi cử nên tăng cường sữa (uống ít nhất một ly/ngày), thịt, trứng, cá, rau quả. Đặc biệt nên dùng các loại dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành, dầu hướng dương sẽ cung cấp chất dinh dưỡng tốt cho hoạt động thần kinh.

Trí nhớ là một hoạt động thần kinh, khả năng trí tuệ gìn giữ những kinh nghiệm sống đã qua, để rồi tái hiện trong ý thức khi cần thiết. Đây là quá trình phức tạp gồm ba giai đoạn: nhận biết, lưu trữ và tái hiện trong hoạt động trí não. Quá trình này tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là sự toàn vẹn về cấu trúc và số lượng tế bào thần kinh, chất dẫn truyền thần kinh (như chất sinh học acetylcholin), các acid amin giúp cho hoạt động thần kinh (như aspartat, glutamat, glycin...).

Để hoạt động thần kinh tốt, trước hết phải có đầy đủ nguyên liệu nạp vào. Tức là cần lưu ý chế độ ăn uống hằng ngày phải cân bằng dưỡng chất, đảm bảo đủ: đạm, béo, đường, tinh bột, vitamin và chất khoáng.

Để có trí nhớ tốt còn phải lưu ý đến ngủ, nghỉ ngơi, vận động thể lực tốt và có phương pháp học tập, tư duy hợp lý. Với SV-HS, học tập hợp lý là tiến hành tiếp thu từ từ, lặp đi lặp lại, đúng phương pháp (biết chọn lọc điều cần nhớ, biết liên tưởng, xen kẽ học với thư giãn...). Vì vậy, nên sắp xếp thời gian biểu khoa học, tránh học dồn nén, “nước đến chân mới nhảy”. Cần lưu ý, hoạt động trí nhớ không chịu được sự thúc ép, bị áp lực bởi ngoại cảnh. Có tình trạng đáng ghi nhận là hiện nay nhiều học sinh bị sa sút trong học tập, học với tình trạng quên đầu quên đuôi, thậm chí có biểu hiện rối loạn tâm thần chỉ vì bị áp lực của gia đình, bị bố mẹ ép buộc học tập một cách quá đáng.

Có thuốc tăng cường trí nhớ?

Cho tới nay người ta vẫn chưa tìm ra loại thuốc nào tác dụng thần kỳ như tạo sự thông minh, tăng trí nhớ. Trước đây có thuốc được cho là bổ óc như Cervotonic (thực chất là kết hợp acid glutamic và vitamin B1), gần đây là Glutaminol, Glutaminol -B6, Pho-L... được gán cho tác dụng như thế, nhưng chính nhà sản xuất các thuốc trên cũng công bố “thuốc chỉ dùng trong chứng suy nhược chức năng nhưng không có tác động đặc hiệu nào được chứng minh một cách cụ thể”. Tức là chưa có một thí nghiệm khoa học nào chứng minh có loại thuốc tạo ra trí thông minh, tăng cường trí nhớ với người bình thường cả.

Một số thuốc như donepezil (biệt dược Aricept trị bệnh Alzheimer), piracefam (biệt dược Nootropil), citicholin, glyceryl phostphorylcholin, ginkgo biloba (tức hoạt chất lấy từ cây bạch quả), tacrin, galantamin được gọi là thuốc tăng cường hoạt động trí não, thật ra để điều trị chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi hoặc ở người bị chấn thương sọ não, chứ không có tác dụng tăng cường trí nhớ cho người học thi.

Còn thuốc dextroamphetamine (biệt dược Dexedrine), methylphenidate (Ritalin) là thuốc kích thích hệ thần kinh được dùng chủ yếu trị bệnh gọi là “rối loạn tăng động kém tập trung”. Đây là bệnh xảy ra ở trẻ em và có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, do rối loạn chức năng não khiến trẻ khó kiểm soát hành vi, kém tập trung, không ngồi yên, hành động và nói năng không suy nghĩ. Rõ ràng đây không phải là “thuốc bổ óc” và nếu dùng tùy tiện có thể gây nghiện như nghiện ma túy và gây các tác dụng phụ nguy hiểm khác.

Đối với các bạn trẻ, không nên dùng bất cứ loại thuốc bổ óc nào. Nếu sợ thiếu hụt trong chế độ dinh dưỡng, có thể dùng thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng, như loại đa sinh tố (multivitamins) ngày một viên.

Nếu thấy con em có biểu hiện sa sút học tập một cách đáng ngại các bậc phụ huynh nên đưa đi bác sĩ khám. Đừng mất thời gian tìm kiếm loại thuốc bổ óc nào đó trong khi việc chữa trị đúng lại theo hướng khác.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.