Bỏ hút thuốc khi đã bị ung thư phổi vẫn mang lại lợi ích

Uyên Lê
Uyên Lê
04/08/2021 10:16 GMT+7

Nhiều người bị ung thư phổi vẫn không bỏ hút thuốc vì nghĩ đã quá muộn, có hút hay không cũng không thay đổi được gì.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí y học ACP Journals chỉ ra rằng việc bỏ hút thuốc lá kể cả khi đã bị ung thư phổi vẫn có thể giúp kéo dài tuổi thọ và giảm các biến chứng của ung thư, theo trang tin Healthline.
Tiến sĩ Matthew Triplette, giám đốc y tế của chương trình tầm soát ung thư phổi thuộc Liên minh Chăm sóc Ung thư Seattle (Mỹ), giải thích: “Nhiều người hút thuốc có tâm lý chấp nhận định mệnh. Họ biết hút thuốc có hại cho sức khỏe nhưng vẫn hút. Tới khi bị ung thư, họ nghĩ rằng điều tồi tệ nhất đã xảy ra và việc tiếp tục hút thuốc hay không cũng vậy thôi.”
Nghiên cứu mới tiến hành trên 500 người ung thư phổi giai đoạn đầu cho thấy, những người bỏ hút thuốc sau khi được chẩn đoán mắc ung thư sống lâu hơn và ít tái phát bệnh hơn so với những người không bỏ thuốc. Họ sống trung bình thêm được 7,9 năm so với chỉ 6 năm ở những người hút thuốc.
Theo tiến sĩ Andrew Brown, một bác sĩ chuyên khoa ung thư làm việc tại Trung tâm Y tế Saint Barnabas ở bang New Jersey (Mỹ), việc tiếp tục hút thuốc trong thời gian điều trị ung thư có thể khiến bạn có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phế quản và viêm phổi. Với một người đang điều trị ung thư, chỉ một nhiễm trùng nhỏ cũng có thể khiến sức khỏe suy yếu trầm trọng. Bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ nhiễm trùng phổi và theo từng ngày, từng tuần, từng tháng, nguy cơ này sẽ thấp dần.
Ông cũng nói thêm: “Ngừng hút thuốc giúp tiến hành phẫu thuật và/hoặc xạ trị an toàn hơn”.
Các chuyên gia khẳng định, bỏ thuốc lá không chỉ giúp cải thiện khả năng sống sót sau khi mắc ung thư phổi mà còn giúp người bệnh giảm tỷ lệ phát triển hoặc mắc các biến chứng như bệnh tim và đột quỵ. Với những người hút thuốc, việc tái phát ung thư phổi rất phổ biến, vì vậy bỏ hút thuốc làm giảm khả năng phát triển ung thư phổi hoặc một loại ung thư khác.
Theo trang tin Healthline, nhận được chẩn đoán ung thư phổi ai mà không căng thẳng và lo lắng. Điều này khiến việc bỏ thuốc sau đó còn khó khăn hơn lúc đầu. Nhưng không nên lấy đó làm lý do để tuyệt vọng, bỏ cuộc.
Tiến sĩ Robert Y. Goldberg, bác sĩ chuyên khoa phổi của Bệnh viện Providence Mission ở Nam California (Mỹ), gợi ý rằng người bệnh nên tập các bài tập thở hằng ngày để giảm căng thẳng và lo lắng trong quá trình điều trị. Ăn uống lành mạnh, bổ dưỡng, tập thể dục cũng góp phần xua tan mệt mỏi và cải thiện tâm trạng. Bạn bè thân thiết và gia đình nên tích cực động viên người bệnh.
Ngoài ra, người bệnh có thể tham gia các nhóm hỗ trợ người ung thư để kết nối với những người hiểu những gì bạn đang trải qua. Tìm được nơi an toàn để nói ra nỗi sợ hoặc lo lắng trong quá trình điều trị cũng giúp cải thiện tinh thần rất nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.