Bị ho kéo dài có cần uống thuốc ho?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
05/02/2020 09:28 GMT+7

Khi bị nhiễm trùng đường hô hấp và ho không ngừng, điều đầu tiên nhiều người làm là uống thuốc ho. Nếu dùng không đúng cách, thuốc ho có thể gây hại nhiều hơn là lợi, theo The Healthy .

Các loại thuốc trị ho được làm từ nhiều chất có công dụng khác nhau. Một số có thể được dùng để ngăn chặn phản xạ ho, số khác có thể làm loãng chất nhầy tích tụ trong phổi, theo Viện Bác sĩ Gia đình Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là các loại thuốc trị ho đó có thực sự kiểm soát và giảm cơn ho hay không.
Nhiều tổ chức chăm sóc sức khỏe ở Mỹ phân loại ho thành 3 dạng, gồm ho cấp tính dưới 3 tuần, ho bán cấp tính từ 3 - 8 tuần, ho mạn tính kéo dài từ 8 tuần trở lên, theo The Healthy.
Có rất nhiều loại thuốc không kê đơn được dùng để trị ho, tùy vào từng nguyên nhân. Hầu hết các sản phẩm này đều thuộc 1 trong 2 loại là thuốc giảm ho và thuốc long đờm, tức làm loãng đờm.
Mặc dù thuốc ho được bán rộng rãi nhưng các nghiên cứu cung cấp rất ít bằng chứng chứng minh các loại thuốc ho này thực sự hiệu quả, theo The Healthy.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến cáo phụ huynh không nên sử dụng các loại thuốc ho này cho trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân là do nguy cơ bị tác dụng phụ nghiêm trọng như khó thở, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trên thực tế, ho có thể là rất cần thiết cho người bệnh vì nó giúp tống các chất nhầy ra khỏi phổi. Nhờ đó, phổi sẽ sạch đờm và mau hồi phục hơn. Thông thường, những cơn ho này sẽ hết sau vài tuần, khi các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thuyên giảm.
Trong trường hợp cơn ho ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ và công việc, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh hãy ngậm các loại kẹo ngậm trị cảm ho, đau họng và thông mũi.
Ngoài ra, người bệnh hãy uống đủ nước. Nước sẽ làm loãng cách chất nhầy trong cổ họng và góp phần giúp giảm ho, theo MSN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.