Bị bọ ve cắn, người phụ nữ dị ứng đủ thứ, sống nhờ chuối và dâu tây

Tạ Ban
Tạ Ban
03/07/2019 11:07 GMT+7

Sau khi bị bọ ve “ngôi sao cô đơn” (Lone Star) cắn, người phụ nữ 38 tuổi bị dị ứng nặng. Suốt thời gian dài cô tìm thầy tìm thuốc khắp nơi do cơ thể xuất hiện triệu chứng lạ nhưng đa phần đều bị chẩn đoán sai.

Kristie Downen, ở Missouri (Mỹ), bị bọ ve cắn vào tháng 7.2015, theo Daily Mail. Cô kể: "Vết cắn trên mắt cá chân của tôi có màu đỏ, nhưng bác sĩ nói rằng đó chỉ là một phản ứng dị ứng và nó sẽ biến mất”.
Sau đó, cô không biết vì sao đột nhiên không thể hấp thu bất kỳ thực phẩm nào. “Tôi bị tiêu chảy, nổi mề đay, nôn ói. Bụng tôi bị sưng đến mức trông như đang mang thai 9 tháng vậy”, Downen nói.
Thời điểm ấy, Downen đang chiến đấu với nhiễm trùng răng, vì vậy cô cho rằng các triệu chứng là do nhiễm trùng. Downen tiếp tục đi khám, một số bác sĩ nói rằng cô đã dùng thuốc quá liều, bị viêm hạch bạch huyết và cần cắt bỏ túi mật. Downen mệt mỏi sau nhiều lần bị chẩn đoán sai và không có phương pháp điều trị, thuốc men hoặc phẫu thuật nào giúp đỡ được cô.
Cho đến tận năm nay, cô mới biết mình mắc hội chứng alpha-gal - dị ứng với thực phẩm, do bọ ve gây ra sau một xét nghiệm (Alpha-gal là chất gây dị ứng chính trong thịt đỏ và một loại đường phức tạp).
Tiến sĩ Minh Thu Le, nhà miễn dịch học dị ứng tại CoxHeath, Springfield (Mỹ), nói với KY3 rằng bọ ve chủ yếu được tìm thấy ở các vùng nông thôn. “Rất nhiều bọ ve sống trên gia súc. Chúng lấy alpha-gal từ gia súc rồi truyền sang người. Khi bạn ăn thịt bò, thịt lợn hoặc bất cứ thứ gì khác, alpha-gal đi vào cơ thể và bạn phản ứng với nó”.
Thông thường, alpha-gal chỉ gây dị ứng với thịt động vật có vú. Nhưng hệ thống miễn dịch của Downen đã bị tổn thương do nhiễm trùng răng nên cô dị ứng với nhiều thực phẩm khác nữa.
Downen dị ứng với ít nhất 29 loại thực phẩm khác nhau bao gồm từ thịt đến sô cô la, ớt, bắp cải, cà rốt, lòng trắng trứng, rau diếp, đậu phộng, gạo..., theo Daily Mail. Cô cho biết: “Tôi đang sống sót dựa vào chuối và dâu tây. Tôi có thể thêm cá khoảng 2 lần/tuần nếu may mắn”.
Ngoài ra, lúc nào Downen cũng phải mang theo EpiPen (bút tiêm epinephrine dùng để điều trị phản ứng dị ứng, sốc phản vệ). Cô đã giảm 28 kg, từ 81,5kg xuống còn 53,5 kg.
Các chuyên gia khuyên những người đi rừng nên mặc quần áo dài tay, nhét quần vào tất, sử dụng thuốc chống côn trùng và quan trọng nhất là kiểm tra cơ thể xem có vết bọ ve nào không khi trở về nhà để tránh trường hợp tốn thời gian chạy chữa “vái tứ phương” như Downen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.