Bị bệnh nhẹ nhưng vẫn thích vượt tuyến khám bệnh, vì sao?

Duy Tính
Duy Tính
10/10/2018 14:54 GMT+7

Khảo sát mới đây của Bộ Y tế tại các bệnh viện tuyến T.Ư và tuyến TP.HCM cho thấy rất nhiều bệnh nhân lặn lội từ các tỉnh xa về TP.HCM khám, chữa bệnh thông thường.

Sáng 10.10, tại TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng trạm y tế (TYT) phường xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dựa trên mô hình 26 TYT điểm của 8 tỉnh (phía nam 12 TYT của 4 tỉnh: TP.HCM, Long An, Lâm Đồng và Khánh Hòa).
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết thống kê của Bộ Y tế cho thấy có đến 70% người bệnh đến bệnh viện là khám, chữa bệnh (KCB) các bệnh không lây nhiễm. Hiện nay các bệnh KLN như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…, ung thư... đang nổi lên.
Hiện tỉ lệ người bệnh tăng huyết áp không được phát hiện 56,9%; 43,1% người được phát hiện nhưng chỉ quản lý được 13,6%. Trong khi đó, hiện có 68,9% người được phát hiện bệnh đái tháo đường, chỉ có 31,1% người được phát hiện đái tháo đường nhưng có gần 29% người được quản lý điều trị.
Nguyên nhân làm các bệnh không lây nhiễm gia tăng là do con người dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động thệ lực, lạm dụng thuốc lá, rượu bia và ô nhiễm môi trường.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng khi đi khảo sát bà thấy nhiều bệnh nhân vượt tuyến KCB chỉ KCB thông thường…
Thống kê của Bộ cho thấy có đến 35,4% bệnh nhân đến KCB ở tuyến T.Ư có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT xã.
Những loại bệnh mạn tính, bệnh nhẹ thì hoàn toàn có thể theo dõi, điều trị tại tuyến dưới nhưng vì sao bệnh nhân vẫn vượt tuyến?
Lý giải việc này, PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho rằng mặc dù điều trị các bệnh không lây nhiễm ở các tuyến là tương đối giống nhau nhưng người bệnh thích đi khám, điều trị ở các bệnh viện (BV) tuyến T.Ư, tuyến cuối được sử dụng nhiều các dịch vụ cận lâm sàng, điều mày gây gia tăng chi phí, bội chi quỹ bảo hiểm y tế.
Mặt khác, kinh phí chi trả chệnh lệch nhiều trên một bệnh giữa các tuyến làm mất công bằng đối với người bệnh khi KCB các bệnh không lây nhiễm. Hậu quả là bệnh nhân xin chuyển tuyến, vượt tuyến về BV tuyến cuối gây nên tình trạng quá tải.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng quan điểm của ngành y tế thì TYT là tuyến mặt trận, nơi làm công tác dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Do vậy, Bộ trưởng chỉ đạo các tỉnh thực hiện đào tạo, tập huấn đảm bảo chuyên môn cho y bác sĩ TYT điểm, tăng cường nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thuốc, tài chính và công nghệ thông tin. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, cần phải nâng uy tín, tay nghề của y bác sĩ TYT.
Bên cạnh đó là kết nối hệ thống Telemedicine 26 TYT điểm với các BV tuyến trên, Bộ Y tế nhằm quản lý, đào tạo từ xa. Bác sĩ 26 TYT này có thể tham gia hệ thống bằng điện thoại thông minh.
Tại Hội nghị, BV tuyến T.Ư, BV tuyến trên của TP.HCM đã ký cam kết tăng cường chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực KCB cho Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm y tế cho các tỉnh có TYT phường xã điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.