Bệnh viện Xanh Pôn ghi khống gần 1.300 kết quả xét nghiệm

Liên Châu
Liên Châu
18/12/2019 04:27 GMT+7

Chiều 17.12, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo nhanh về kết quả thanh tra ban đầu việc mua sắm, quản lý, sử dụng test xét nghiệm nhanh HIV, HbsAg tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Kết quả thanh tra, xác minh cho thấy, việc có test HIV Combo tại Khoa Vi sinh y học của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Xanh Pôn là do bà Chu Thị Loan, Phó khoa, phụ trách Khoa Vi sinh y học nhận và chỉ đạo nhân viên trong khoa nhận test của chi nhánh Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Lục Tinh (Hà Nội) cung cấp (40 test HIV Combo). Khoa Vi sinh y học thừa nhận không báo cáo với bệnh viện (BV) việc nhận và sử dụng test HIV Combo.
Bà Chu Thị Loan đã phổ biến, chỉ đạo các nhân viên trong khoa thực hiện cắt dọc gần 40 test HIV Combo, chia test này làm đôi, để xét nghiệm kiểm chứng kết quả xét nghiệm với test HIV 1/2. “Kết quả xét nghiệm bằng các que thử Combo được nhân viên khoa ghi khống thành 1.272 kết quả test vào sơ đồ Test HIV 1/2, trong khi thực tế chỉ kiểm chứng gần 80 test”, báo cáo của Sở Y tế viết.
Có thể có những bệnh nhân nhiễm HIV hoặc viêm gan B đã bị bỏ lọt. Họ không chỉ mất đi cơ hội điều trị kịp thời, mà còn có nguy cơ lây nhiễm cho người thân hay cộng đồng, nếu không được biết để điều trị
Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội
Theo Sở Y tế Hà Nội, Khoa Vi sinh y học đã không thực hiện đúng quy định về việc tiếp nhận quà tặng, không báo cáo BV; việc Khoa Vi sinh y học tự ý sử dụng test HIV Combo để xét nghiệm kiểm chứng với test HIV 1/2 nhưng không xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học, không báo cáo lãnh đạo BV là không thực hiện đúng các quy định về kiểm chứng, nghiên cứu khoa học; khoa cắt dọc test HIV Combo để xét nghiệm là không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không đúng quy chế chuyên môn.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội, cho biết thêm rằng qua kiểm tra cũng cho thấy việc cấp phát, ghi chép thống kê sử dụng các test, kít xét nghiệm HIV, HbsAg của Khoa Vi sinh y học không chặt chẽ, không chính xác. Để xảy ra những vi phạm trên, trách nhiệm trực tiếp thuộc về Khoa Vi sinh y học, đồng thời có trách nhiệm của BV trong công tác quản lý vật tư y tế.
 
Không đảm bảo cho kết quả xét nghiệm chính xác
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã nhận được thông tin phản ánh về việc kỹ thuật viên tại Khoa Vi sinh y học của BVĐK Xanh Pôn đã chia đôi test khi thực hiện một số mẫu máu xét nghiệm.
Đánh giá về vi phạm này, bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định muốn có kết quả xét nghiệm chính xác nhất, trước hết phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Trong trường hợp như vừa xảy ra tại BVĐK Xanh Pôn, việc cắt đôi que xét nghiệm là không đúng quy chế chuyên môn và cũng không đúng khuyến cáo của nhà sản xuất là dùng 1 que thử cho 1 mẫu xét nghiệm. Việc làm không đúng sẽ không thể bảo đảm cho ra một kết quả xét nghiệm chính xác. “Nguy hiểm hơn, có thể có những bệnh nhân nhiễm HIV hoặc viêm gan B đã bị bỏ lọt. Họ không chỉ mất đi cơ hội điều trị kịp thời, mà còn có nguy cơ lây nhiễm cho người thân hay cộng đồng, nếu không được biết để điều trị”, bà Hà nhìn nhận.
Cũng theo bà Nhị Hà, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đang tiến hành điều tra, xác minh tại BVĐK Xanh Pôn về các vi phạm trong xét nghiệm vừa được Sở Y tế TP.Hà Nội thanh, kiểm tra. Trong quá trình điều tra, lãnh đạo Sở Y tế TP.Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chức năng của BVĐK Xanh Pôn cung cấp hồ sơ, tài liệu, thực hiện nghiêm túc các nội dung của Cơ quan CSĐT khi có yêu cầu.
Bà Nhị Hà thì cho rằng từ sự việc này, lãnh đạo Sở Y tế TP.Hà Nội đã yêu cầu không chỉ lãnh đạo BVĐK Xanh Pôn và tất cả giám đốc các BV trong và ngoài công lập phải tăng cường quản lý nội bộ, thông qua thiết lập hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, duy trì kiểm soát chất lượng xét nghiệm. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát quy trình cấp phát và sử dụng hóa chất, vật tư tiêu hao tại khoa dược, phòng vật tư, khoa xét nghiệm, khoa khám bệnh. Xử lý nghiêm minh các trường hợp gian lận, làm thất thoát hóa chất, vật tư tiêu hao theo quy định của pháp luật.

Tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đánh giá sự cố xét nghiệm tại BVĐK Xanh Pôn cho thấy các BV cần luôn kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật.
“Sự việc tại BVĐK Xanh Pôn cũng nhắc nhở các sở y tế, các BV, các cơ sở điều trị, các đơn vị cung cấp dịch vụ xét nghiệm cần chú trọng rà soát thực hiện nghiêm túc các quy định về xét nghiệm. Lãnh đạo các sở y tế, giám đốc các BV có giường bệnh cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và khắc phục các hạn chế trong thực hiện các quy định, quy chế chuyên môn về xét nghiệm”, ông Khuê nói.
Theo ông Khuê, để đảm bảo chất lượng xét nghiệm, Bộ Y tế đã có các quy định đầy đủ, các thiết bị xét nghiệm có tiền là mua được nhưng con người vẫn có yếu tố quyết định để cho ra kết quả xét nghiệm có chính xác hay không. Nó là quá trình lấy máu, bảo quản; kiểm chuẩn, vận hành trang thiết bị, hóa chất. Với test nhanh cũng vậy, dù sàng lọc cũng cần phải làm đúng, vì với nhiều xét nghiệm, kết quả của test sàng lọc sẽ là cơ sở để bác sĩ có chỉ định làm xét nghiệm chuyên sâu, tiếp theo. Nếu ngay từ sàng lọc đã không chuẩn, có thể dẫn đến sai sót, bệnh nhân có thể không được làm các xét nghiệm cần thiết để xác định tình trạng sức khỏe, bệnh lý.
“Chất lượng xét nghiệm, tiêu chí quan trọng liên quan chất lượng chẩn đoán, khám chữa bệnh. Tại các BV, giám đốc BV chịu trách nhiệm tổ chức các công tác liên quan chất lượng BV, chất lượng chẩn đoán, khám chữa bệnh. Sau sự việc trên, Bộ Y tế đề nghị giám đốc các sở y tế, giám đốc các BV trên cả nước cần tăng cường quản lý nội bộ, rà soát việc thực hiện các quy định, hướng dẫn chuyên môn quy trình để phát hiện, phòng tránh xảy ra những vi phạm trong cơ quan quá trình liên quan đến hoạt động xét nghiệm. Đặc biệt, phải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về thiết lập kế hoạch quản lý chất lượng xét nghiệm; quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo BV, lãnh đạo phòng xét nghiệm; nhân viên quản lý chất lượng xét nghiệm. Việc này không phải chỉ thực hiện định kỳ mà buộc phải theo quy trình chuẩn. Các đơn vị phải bảo đảm duy trì thường xuyên công tác kiểm soát cả các quy định liên quan trực tiếp đến chất lượng xét nghiệm”, ông Khuê nêu rõ.
Cùng với các kết quả cận lâm sàng khác, xét nghiệm có vai trò quan trọng để các bác sĩ chẩn đoán bệnh. Việc thực hiện không đúng quy định về xét nghiệm không chỉ là vấn đề chuyên môn, nguy cơ làm sai lệch kết quả mà còn là đạo đức nghề nghiệp. Nghề nào cũng cần đạo đức, và nghề y liên quan đến sức khỏe, sinh mạng thì đạo đức nghề nghiệp càng quan trọng.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.