Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đạt chuẩn quốc tế thay khớp háng, khớp gối

Duy Tính
Duy Tính
03/07/2020 10:56 GMT+7

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM được công nhận đạt chuẩn quốc tế thay khớp háng , thay khớp gối và nhận giải thưởng vàng về điều trị đột quỵ của Hiệp hội đột quỵ thế giới .

Ngày 3.7, bác sĩ (BS) CK.2 Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM, cho biết Khoa Nội thần kinh bệnh viện nhận giải thưởng vàng về điều trị đột quỵ của Hiệp hội Đột quỵ Thế giới; Khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện được công nhận là Trung tâm xuất sắc về kỹ thuật mổ thay khớp háng superpath và thay khớp gối với kỹ thuật medical pivot theo chuẩn Mỹ. Hai kỹ thuật thay khớp này đã được Tổ chức Micropot, một trong những tổ chức y khoa thế giới với các chuyên gia hàng đầu của Mỹ chuyên về khớp, đánh giá.

Mổ và chăm sóc bệnh nhân tốt

Theo TS.BS Tăng Hà Nam Anh, phụ trách chuyên môn Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các chuyên gia chấn thương chỉnh hình quốc tế công nhận Khoa Chấn thương chỉnh hình là Trung tâm thay khớp háng và gối, với hai kỹ thuật đã nêu đúng chuẩn từ khâu chuẩn bị bệnh nhân trước mổ, kỹ thuật mổ đạt chuẩn quốc tế và chăm sóc, vật lý trị liệu cho bệnh nhân sau mổ.
Theo BS Võ Đức Chiến, với chứng này bệnh viện sẽ được chọn là nơi giảng dạy thay khớp háng và khớp gối cho khu vực Đông Nam Á và châu Á. Đặc biệt, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện sẽ được chọn làm giảng viên và mổ biểu diễn cho các học viên trong lớp học quốc tế.

Bác sĩ mổ thay khớp háng với kỹ thuật superpath cho bệnh nhân

BS CUNG CẤP

Đột quỵ tăng 100% ở các nước thu nhập thấp

Cùng ngày, TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM đã trao giải vàng cho Đơn vị đột quỵ, Khoa Nội thần kinh - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Đây là giải thưởng vinh danh của Hiệp hội Đột quỵ Thế giới (WSO - World Stroke Organization)
BS CK.2 Trần Trung Thành, Trưởng Khoa nội thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết Khoa Nội thần kinh đã triển khai mô hình chăm sóc đột quỵ - Đơn vị đột quỵ (Stroke Unit) trong điều trị đột quỵ giai đoạn cấp, cũng như xây dựng quy trình chuẩn trong điều trị tái thông cho bệnh nhân đột quỵ hay nhồi máu não cấp… Đây là yếu tố quyết định chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân sau hồi phục.
“Đội đột quỵ (Stroke Team) của khoa sẽ bao gồm các bác sĩ cấp cứu, bác sĩ thần kinh, bác sĩ can thiệp mạch máu thần kinh, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh… phối hợp đồng bộ, chặt chẽ. Theo đó, ê kíp bác sĩ sẽ sử dụng tiêu sợi huyết tĩnh mạch hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ nhằm “chạy đua với thời gian” cứu lấy tế bào não. Cứ mỗi phút trôi qua, 2 triệu tế bào nơ ron thần kinh, đồng nghĩa với khoảng 12 km sợi trục neuron thần kinh não, chết không hồi phục nếu thiếu máu nuôi. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Đột quỵ Thế giới (WSO - World Stroke Organization), “giờ vàng” của bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ”, bác sĩ Trung Thành cho biết.
Theo quy trình tại bệnh viện, các bệnh nhân khi nhập viện và tiếp cận bác sĩ cấp cứu mất khoảng 10 phút, tiến hành các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp CT scanner hết 35 phút, tiến hành điều trị mất khoảng 47 - 60 phút
Theo bác sĩ Trung Thành, tỷ lệ mắc mới đột quỵ tuy giảm 42% ở các nước thu nhập cao, nhưng lại tăng hơn 100% ở các nước thu nhập thấp (tỷ lệ tử vong 18 - 35%). Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong cũng như tàn phế, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Từ 1.2019 - 12.2019, có 1.025 bệnh nhân đột quỵ (nhồi máu não: 877 ca; xuất huyết não 148 ca). Trong đó, có 81 ca điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch; 9 ca điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch và 3 ca can thiệp, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.