Bệnh trở nặng do bệnh nhân tự làm... bác sĩ

30/12/2017 10:01 GMT+7

Khi bị viêm xoang, người bệnh sẽ có triệu chứng đau đầu, sổ mũi, ho, đau họng… Vì rất giống với triệu chứng cảm thông thường nên 90% bệnh nhân tự mua thuốc về uống.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân bệnh trở nặng, gây nhiều biến chứng phần lớn là bệnh nhân tự làm bác sĩ.
Lạm dụng thuốc nhỏ mũi, giảm đau
“Mũi nghẹt cứng, có thuốc gì giúp thông mũi nhanh, bán cho tôi vỉ thuốc giảm nhức đầu”… là những yêu cầu thường gặp của nhiều bệnh nhân tại các hiệu thuốc khi thời tiết trở lạnh. Một số loại thuốc mà các tiệm thuốc hay kê cho bệnh nhân như ephedrin, oxymetazolin (oxymeta, oxylin, nasivion), naphazolin (nasoline, rhinex 0,05%), xylometazolin (otilin, otrivin, xylolalan)… Sau khi sử dụng khoảng 10 phút, mũi liền “thông thoáng”. Khoảng vài giờ sau, mũi nghẹt trở lại, bệnh nhân nhỏ tiếp lần hai, rồi lần ba. Nhỏ hoài thành “nghiện”, dẫn đến nhỏ mỗi ngày. Thậm chí trong túi áo, quần, túi xách của một số người lúc nào cũng có chai thuốc nhỏ mũi, chỉ cần nghẹt là nhỏ. Các loại thuốc này được ví như “thần dược”, nhất là với những bệnh nhân viêm xoang (VX), khi mà nghẹt mũi hay kéo dài và tái diễn thường xuyên.
PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức - ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, chính vì có suy nghĩ thuốc nhỏ mũi chỉ gây tác dụng tại chỗ sẽ không hấp thu vào máu, không gây độc nên đây là loại thuốc được các bệnh nhân VX lạm dụng hàng đầu. Các loại thuốc nhỏ mũi trên đều có tác dụng cường giao cảm thần kinh, làm co tại chỗ các tiểu động mạch bị giãn, giảm lưu lượng máu qua mũi, từ đó giảm sung huyết ở niêm mạc mũi, nước mũi ngưng chảy. Tuy nhiên, thuốc chỉ được dùng không quá 5 ngày. Nếu lạm dụng, tác dụng của thuốc càng ngắn lại, số lần nhỏ thuốc càng tăng. Đến đỉnh điểm, thuốc không còn tác dụng giảm nghẹt mũi mà gây nghẹt mũi nặng hơn lúc trước.
Ngoài nghẹt mũi, bệnh nhân VX hay bị đau đầu. Cơn đau thường dai dẳng và kéo dài. Thuốc paracetamol (tidol, panadol…) được xem là “cứu cánh” vì có tác dụng giảm đau nhanh. Bệnh nhân không mua vài viên mà thường mua cả vỉ, khi nào đau thì uống. Về lâu gây “lờn” thuốc, uống 1 viên không “xi nhê”, phải uống một lúc 2 - 3 viên. Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, đây là loại thuốc tương đối an toàn nếu dùng đúng liều chỉ định. Nhưng nếu dùng thuốc liều cao, kéo dài, nhẹ thì gây mệt mỏi, ngộ độc paracetamol với các triệu chứng đau bụng, nôn, khó thở…; nặng hơn thì ngộ độc cho gan, hoại tử tế bào gan.
Dầu gió cũng được xem là vật “bất ly thân” đối với những người bị XV. Nếu nghẹt mũi, ngửi ít dầu gió sẽ làm thông mũi, đem đến cảm giác dễ chịu, thoải mái tinh thần vì có tinh dầu. Một số người còn cho cả miệng chai vào lỗ mũi để hít “cho đã”, sau đó còn chấm vào đầu lưỡi. Ngoài tinh dầu, trong dầu gió còn chứa một số thành phần như menthol, methy salicylat, camphor… Nếu ngửi dầu gió thường xuyên có thể gây rách màng nhầy ở mũi, họng, tổn thương hệ hô hấp; tùy cơ địa từng người, việc uống dầu gió có thể gây ngộ độc với các triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, nôn mửa…
Khi ngủ, bệnh nhân nên kê cao gối để giúp dịch xoang chảy xuống họng, giúp dễ thở hơn. Khói thuốc lá, nước hoa, rượu, mỹ phẩm có mùi… sẽ kích thích làm tình trạng nghẹt mũi, đau đầu thêm nặng nên cần tránh.
Mỗi ngày nên rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý để làm giảm cảm giác khó chịu. Có thể dùng nước muối pha loãng đun sôi rồi xông lên mũi có tác dụng làm giãn nở và thông lỗ xoang, chất nhầy thoát ra dễ dàng hơn.
Viêm xoang ở trẻ nhỏ dễ gây biến chứng
Theo nhận định của BS Đặng Hoàng Sơn - Trưởng khoa Tai mũi họng, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, VX ở trẻ không còn hiếm và ngày càng tăng, nhất là ở trẻ dưới 6 tuổi. Bệnh thường xuất hiện rải rác, có khuynh hướng tăng theo mùa. Nguyên nhân bệnh ở trẻ nhỏ càng tăng nặng là do ý thức trẻ còn thấp, do lối sống hay vui chơi chạy nhảy tiếp xúc với bụi đất. Không ít trẻ bệnh là do phụ huynh xử lý, chăm sóc sai lầm.
Cách vài ba ngày, con gái 3 tuổi của chị Nguyễn Thị Thoa (ngụ Q.Gò Vấp) lại bị nghẹt mũi, tối ngủ cứ thở khò khè. Chị thường đè con ra để xịt nước muối sinh lý, sau đó hút mũi. Về sau, bé càng khò khè nhiều hơn. Đến gặp bác sĩ thì biết bé bị viêm xoang mạn do ảnh hưởng thời tiết, khói bụi mà bệnh lặp đi lặp lại. Tưởng rằng việc xịt rửa mũi, hút mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên sẽ giúp vệ sinh vùng mũi họng mà không ngờ đây chính là nguyên nhân khiến cho niêm mạc mũi của bé bị teo, ảnh hưởng chức năng thở và khứu giác.
Chị Nguyễn Thị Thu Đào (H.Hóc Môn) thì thấy con bị sốt cao trên 39 độ, sổ mũi, ho, khò khè và thở ngáy về đêm đã ra tiệm mua thuốc cho con uống. Bệnh có giảm nhưng sau đó tái lại. Thay vì đưa con đi bác sĩ, chị tiếp tục tự ý mua thuốc. Về sau, tần suất con chị bị bệnh càng nhiều, mỗi khi bệnh, các triệu chứng sốt, sổ mũi, khò khè càng nặng và kéo dài trên nửa tháng, sưng nề quanh mắt, thị lực giảm. Chỉ khi đến bệnh viện, chị Đào mới biết con mình bị bị viêm xoang bướm nhưng do không điều trị kịp thời gây biến chứng lên mắt, thị lực giảm nhanh.
Bệnh VX quan trọng là phải được chẩn đoán, điều trị đúng, kịp thời, tránh các yếu tố tái phát bệnh. Việc tự ý dùng thuốc, nếu không gây thêm bệnh thì cũng làm bệnh diễn tiến nặng hơn. Bệnh có thể biến chứng tại chỗ, viêm tấy vùng mặt, hốc mắt, viêm xương. VX sàng và VX bướm là hai dạng VX thường gặp ở trẻ nhỏ, gây biến chứng nhiều đến dây thần kinh mắt, nên dù bị VX này mà ở dạng cấp có thể làm bệnh nhân mờ mắt không nhìn thấy, còn VX mạn có thể gây viêm thần kinh thị, mù mắt, biến chứng nặng nhất là vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây viêm tắc xoang tĩnh mạch hang, gây viêm não, viêm màng não, áp xe não.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.