Bệnh thủy đậu

08/04/2016 06:46 GMT+7

Vi rút gây thủy đậu có thể tấn công hệ thần kinh, gây biến chứng nguy hiểm sau cả chục năm “ngủ đông”.

Vi rút gây thủy đậu có thể tấn công hệ thần kinh, gây biến chứng nguy hiểm sau cả chục năm “ngủ đông”.

Rửa tay, vệ sinh cơ thể là một cách phòng bệnh - Ảnh: ShutterstockRửa tay, vệ sinh cơ thể là một cách phòng bệnh - Ảnh: Shutterstock
Tưởng bị cúm...
Các tuần gần đây, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, Khoa Nhi BV Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận nhiều trẻ được gia đình đưa đến khám do mắc thủy đậu.
Đưa con trai 8 tuổi đi khám tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai, chị Hà (nhà ở Q.Hai Bà Trưng) cho biết con chị khởi đầu bị mệt, có sốt nhẹ, chảy nước mũi nên nghĩ rằng bị cảm cúm. Sau 3 - 4 hôm thấy bé bị nổi mụn nước trên mặt, trên đầu nên chị Hà đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán bị thủy đậu.
“Hầu hết các gia đình đều đưa con đến khám sớm, bệnh diễn biến lành tính. Tuy nhiên, vẫn còn gia đình kiêng tắm cho trẻ. Hoặc một số cha mẹ coi những thông tin chưa chính xác trên mạng, tự kê đơn để mua thuốc bôi cho con”, TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, công tác tại khoa nhi cho biết. Theo bác sĩ, cần giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ bằng cách dùng khăn mềm và nước ấm sạch để lau nhẹ nhàng. Nếu không vệ sinh sạch có thể gây bội nhiễm viêm da. Tuy nhiên, cần lưu ý không để mụn nước bị trợt, vỡ vì bọng nước đó là nguồn lây lan. Trẻ cần được mặc quần áo thoáng rộng. Việc dùng thuốc cho trẻ nên theo chỉ định của bác sĩ, tránh các bội nhiễm do dùng thuốc không đúng.
Vi rút có tuổi thọ lâu dài
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter, rất dễ lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, vi rút thủy đậu có khả năng sống được vài ngày trong vảy thủy đậu khi bong ra, tồn tại trong không khí, là nguồn phát tán mầm bệnh. Do đó, trẻ bị bệnh nên được cách ly (10 ngày) kể từ khi khởi bệnh để tránh lây lan.
“Thức dậy” sau cả chục năm
Theo BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, mặc dù không có triệu chứng nặng nề ngoài những hồng ban mụn nước lan tràn, nhưng thủy đậu có thể gây biến chứng: nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng. Thậm chí, sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông) và tái hoạt động sau 10 - 30 năm khi có điều kiện thuận lợi (như sức đề kháng cơ thể kém gây bệnh Zona thần kinh). Zona có thể gây biến chứng viêm da do bội nhiễm vi khuẩn, gây giảm thị lực nếu ở vùng mặt (trán, mũi).
Các chuyên gia cũng lưu ý thêm, phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu thai kỳ có thể sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với dị tật như co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh. Bị nhiễm vi rút này trong những ngày sắp sinh hay sau sinh khiến trẻ bị lây bệnh dễ bị biến chứng viêm phổi.
Cách phòng bệnh
Cục Y tế dự phòng cho biết hơn 4.000 ca mắc thủy đậu đã ghi nhận trong 3 tháng đầu năm nay tại nhiều tỉnh thành. Hà Nội, Nghệ An, Thái Bình, Yên Bái, Lâm Đồng, Kon Tum, Đà Nẵng là các địa phương có số mắc cao.
Để phòng bệnh lây lan, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ dùng chung khăn và các vật dụng ăn uống. Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo cần thường xuyên làm sạch đồ chơi, đồ dùng học tập, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.