Bệnh tay chân miệng dễ lầm với nhiều bệnh khác

20/10/2016 13:53 GMT+7

Theo BS Dư Tuấn Quy, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh tay chân miệng nhiều khi rất khó nhận biết. Sai lầm thường gặp là cha mẹ thấy trẻ chảy nước miếng, sốt thì nghi là mọc răng; nhiều người thấy bóng nước thì nghĩ là trái rạ...

Từ đầu năm 2016 đến nay TP.HCM có gần 4.300 ca bệnh tay chân miệng (TCM), giảm 36% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, trong tháng 9, số ca TCM tăng hơn tháng trước là gần 13%. Cuối tháng 9 đã ghi nhận 3 chùm ca bệnh trong trường học. Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thì cuối tháng 10 trở đi dịch bệnh này đã vào mùa cao điểm và số trẻ nhập viện có thể cao.
Phụ huynh đã biết cảnh giác TCM
Khuya 16.8, bệnh nhi Lê Thị Thắm (9,5 tháng tuổi, con bà Tống Thị Cẩm Hằng, ở Đồng Tháp), đã được gia đình đưa đi thẳng lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Theo chị Hằng thì trước khi nhập viện 2 ngày bé có biểu hiện ấm người nên chị đã ra nhà thuốc mua hạ sốt cho bé uống. Nhiều người xung quanh nói nổi ba cái mụn nước nên không có sao, nhưng hôm sau nữa thì mụn nước nổi bên hông rồi lan ra khắp người. Chị đã đưa con đi khám ở phòng mạch bác sĩ tư thì bác sĩ cho biết con chị có khả năng mắc TCM. Ngay trong đêm chị đã đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 và được chẩn đoán là cháu bị TCM phải nhập vào khoa điều trị nội trú. “May là đọc báo, xem tivi mà biết bệnh TCM rất nguy hiểm. May là đi sớm và bệnh còn nhẹ chứ nặng thì không biết ra sao!”, chị Hằng chia sẻ.
Ngày 18.10, chị Trần Thị Hà (Tiền Giang) ngồi bệt ngoài hành lang Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, một tay chị quạt cho con, tay còn lại ôm ru con ngủ. Chốc lát thằng bé con chị (17 tháng tuổi) giật mình, chân co lại, chị vỗ về con. Chị cho biết vài ngày trước thấy con nổi bóng nước nhiều lòng chân, miệng nên chị nghĩ đó là bệnh TCM nên vội bế con lên Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau 1 ngày nhập viện hiện bé đả ổn định, bé được dự kiến cho xuất viện điều trị ngoại trú.

Trẻ bị TCM nằm trong phòng cấp cứu Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 Ảnh: D.T
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, lúc 10 giờ đêm 17.8, chị Bùi Thị Thu Hường (Định Quán, Đồng Nai) cùng mẹ đưa con là Nguyễn Ngọc Mỹ An (8,5 thàng tuổi) nhập vào khoa Nhiễm. Hai ngày trước dù thấy con không sốt nhưng quấy khóc khi ngủ, sau đó xuất hiện triệu chứng nổi bóng nước trong miệng, môi đỏ như lột da nên chị Hường nghi ngờ con mắc TCM và đón xe đưa đi thẳng đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Bên trong phòng bệnh, cha con anh Võ Văn Hiền, xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đang nằm trên giường chơi với nhau. Anh Hiền cho biết sau mấy ngày thấy con (2,5 tuổi) bỏ ăn uống, người ấm ấm và tay chân nổi bóng nước nên sáng 18.10 anh đã đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 2 và nhập viện do TCM. “Khu vực nhà tôi nhiều trẻ mắc bệnh TCM nên khi nhìn con là tôi biết nó mắc TCM rồi”, anh Hiền chia sẻ kinh nghiệm.
Bệnh sẽ tăng vào cuối tháng 10
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cho biết vào cuối tháng 10 TCM sẽ vào mùa cao điểm và có thể tăng vọt. Do vậy, các bệnh viện thường sẽ cho bệnh nhi xuất viện điều trị ngoại trú vào cuối tuần và tăng cường việc giải thích cho thân nhân bệnh nhi, vì đa số trẻ TCM độ 1, 2A như sốt có đáp ứng với thuốc hạ sốt, không có biểu hiện giật mình, giật mình ít… có thể theo dõi ở nhà. Quan trọng là việc bắt sớm thời điểm chuyển độ để xử lý ngay thì diễn tiến nặng của bệnh sẽ giảm dần.
“Bệnh TCM biểu hiện bên ngoài bằng nổi bóng nước ở tay, chân, miệng, mông… Dấu hiệu cho biết trẻ bị TCM trở nặng đầu tiên của TCM là sốt cao không hạ, ngủ giật mình chới với, nôn ói, tay chân run đi đứng bất thường, thở bất thường… “, bác sĩ Quy nói.
Tùy theo trường hợp nặng nhẹ mà điều trị phù hợp. Nếu trẻ bị nhẹ thì cho hạ sốt, thuốc tráng niêm mạc miệng để trẻ ăn uống được và theo dõi. Khi trẻ trở nặng thì sẽ được cho vào phòng cấp cứu, tại đây có những giường riêng có camera theo dõi 24/24. Nếu trẻ giật mình thì sẽ cho thuốc làm êm dịu thần kinh, thuốc giảm tình trạng bệnh nặng.
Vấn đề quan trọng là TCM sẽ làm biến chứng hệ thần kinh, tác động lên hệ hô hấp gây khó thở, khan tiếng. “Mùa này là mùa bệnh hô hấp, có những trẻ TCM nhập viện chỉ có dấu hiệu khàn tiếng nên nhiều khi không biết khàn tiếng do hô hấp hay do TCM”, bác sĩ Quy khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Quy, bệnh TCM nhiều khi rất khó nhận biết. Sai lầm thường gặp là cha mẹ thấy trẻ chảy nước miếng, sốt thì nghi là mọc răng nên cứ để ở nhà. Nhiều người thấy bóng nước thì nghĩ là trái rạ... Với bệnh TCM việc nổi ban càng ít thì có thể bệnh càng nặng.
6 giải pháp phòng tránh bệnh TCM
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát, đĩa, thìa, cốc, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau rửa đồ chơi của trẻ, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
Trung tâm y tế dự phòng TP khuyến cáo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.