Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: phát hiện sớm để điều trị hiệu quả

19/11/2020 16:35 GMT+7

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hiện là một trong các nguyên nhân gây tử vong cao toàn cầu. Tuy là bệnh mạn tính, nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh hoàn toàn có thể chung sống “hòa bình” cùng COPD.

COPD là bệnh lý hô hấp thường gặp khiến đường thở của người bệnh bị thu hẹp dẫn đến tình trạng khó thở, giới hạn khả năng vận động. Trong trường hợp không được điều trị hợp lý, bệnh sẽ tiến triển nặng gây nhiều biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân bất cứ lúc nào.
Tuy nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, COPD sẽ được kiểm soát hiệu quả, các triệu chứng như khó thở, khó thở khi gắng sức... sẽ thuyên giảm, bệnh tiến triển chậm lại, từ đó sẽ giảm nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm, giúp người bệnh lấy lại niềm vui sống.

Để không còn bị ám ảnh bởi COPD

Chia sẻ về việc điều trị COPD hiệu quả, PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi Hội hô hấp TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, nguyên Phó trưởng khoa Y, Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, COPD là bệnh mạn tính, khi đã mắc phải, người bệnh phải chung sống suốt đời cùng bệnh. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm và tuân thủ điều trị dự phòng đúng cách là đặc biệt quan trọng.
Theo đó, người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: thường xuyên hút thuốc lá, sống trong môi trường ô nhiễm, làm việc trong nhà máy nhiều khói bụi... mà có ho kéo dài, khó thở thì nên đi thăm khám để phát hiện COPD và điều trị sớm.
Với các trường hợp đã mắc COPD, người bệnh cần tuân thủ thực hiện đúng liệu trình điều trị của bác sĩ từ việc thay đổi thói quen như: bỏ thuốc lá, năng tập thể dục để tránh teo cơ, tập hít thở để cải thiện đường thở… đến dùng thuốc theo đúng chỉ định.
PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc cho biết, vì là bệnh mạn tính nên việc điều trị COPD chủ yếu theo hướng dự phòng bao gồm hai biện pháp: không dùng thuốc và dùng thuốc. Khi điều trị, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh lý của từng người mà lên phác đồ phù hợp. Thông thường, nếu tuân thủ theo phác đồ điều trị đó, người bệnh hoàn toàn có thể sống hòa bình cùng COPD, duy trì một sức khỏe gần như bình thường.

1. Phương pháp không dùng thuốc

2. Phương pháp dùng thuốc

Để điều trị dùng thuốc cho bệnh nhân COPD, các loại thuốc giãn phế quản có tác dụng giãn cơ trơn đường thở, giúp bệnh nhân hít thở dễ dàng hơn, giảm nhẹ các triệu chứng, giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm… sẽ được các chuyên gia đưa vào phác đồ điều trị.
Chia sẻ về tính hiệu quả của thuốc giãn phế quản hiện nay, PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc cho biết: “Sự tiến bộ trong nghiên cứu cũng như điều trị COPD hiện nay rất tốt. Nếu như 20, 30 năm trước, điều trị COPD tương đối khó khăn vì thuốc giãn phế quản thế hệ cũ thường kém hiệu quả và nhiều tác dụng phụ, thì hiện nay, các thuốc giãn phế quản thế hệ mới cho tác dụng nhanh, hiệu quả kéo dài đến 24 giờ đã giúp việc điều trị hiệu quả và dễ dàng hơn rất nhiều”.
 Để giảm gánh nặng bệnh tật do COPD, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ một cách nghiêm ngặt

Để giảm gánh nặng bệnh tật do COPD, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ một cách nghiêm ngặt

Tuy nhiên, PGS-TS-BS Trần Văn Ngọc cũng nhấn mạnh, dù đã có thuốc tốt, nhưng nếu bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị, chẳng hạn như: tự ý ngưng thuốc, dùng thuốc không đúng liều, sử dụng dụng cụ hít sai cách khiến thuốc không vào được phổi... sẽ làm tác dụng điều trị giảm đi. Vì vậy, để có thể chung sống hòa bình cùng COPD, người bệnh cần tuyệt đối hợp tác và tuân thủ theo các chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Hiểu rõ bệnh để ngừa bệnh hiệu quả là việc không bao giờ thừa. Hy vọng những thông tin hữu ích về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) này sẽ giúp mọi người có thể phòng tránh, cũng như sống chung hòa bình với nó một cách nhẹ nhàng và hiệu quả.
Chương trình giáo dục công chúng do Hội hô hấp và VPĐD GSK thực hiện. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hiểu hơn về bệnh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.