Bệnh nhi mắc bệnh bạch hầu diễn tiến nặng, nếu ghép tim sẽ cứu được

Duy Tính
Duy Tính
01/07/2020 15:57 GMT+7

Sau 6 ngày chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhi mắc bệnh bạch hầu ở Đắk Nông biến chứng viêm cơ tim nặng diễn tiến nặng hơn.

Ngày 1.7, Khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc trẻ em (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) cho biết bệnh nhi G.A.P (13 tuổi, dân tộc H’mông, ngụ Đắk Nông) mắc bệnh bạch hầu đang diễn tiến nặng.

Gia tăng người mắc bệnh bạch hầu ở Kon Tum, học sinh ở xã Ya Xiar nghỉ học

Mặc dù bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp nhân tạo nhưng diễn tiến viêm cơ tim nặng hơn, suy tim, men tim tăng gấp 20 - 30 lần so với bình thường… Bệnh viện (BV) đang điều trị hỗ trợ tích cực tim mạch, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch chờ phục hồi. Tuy nhiên, tiên lượng xấu.
Theo các bác sĩ, bệnh bạch hầu biến chứng nặng, tổn thương nhiều, rối loạn nhịp như bệnh nhi này thì nguy cơ tử vong đến 70-80%. Nếu có tim ghép thì sẽ cứu được bệnh nhi.

Bệnh nhân bạch hầu tại TP.HCM đã được cách ly, chữa trị thế nào?

Trước đó, bệnh nhi G.A.P nhập BV đa khoa khu cực Tây Nguyên vì sốt, ho, đau họng ngày thứ 4, chưa chích ngừa bạch hầu trước đây. Bệnh nhi có diễn tiến cổ bạnh, sốt liên tục, tăng tiết đàm, vẻ nhiễm trùng nhiễm độc. Kết quả xét nghiệm PCR dương tính bạch hầu loại sinh độc tố, tăng troponine I, tràn dịch màng tim trên siêu âm, nhịp nhanh xoang.
Bệnh nhi được chẩn đoán: Bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng kháng sinh tĩnh mạch, mở khí quản, hỗ trợ ô xy. Vì có biến chứng tổn thương tim nên bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp tim. 
Ngày 26.6, BV đa khoa vùng Tây Nguyên đã chuyển bệnh nhi G.A.P xuống BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị và đến nay diễn tiến nặng thêm.
Trước đó, ngày 20.6, một bệnh nhi 9 tuổi mắc bệnh bạch hầu biến chứng nặng chuyển từ Đắk Nông xuống BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM và đã tử vong sau 2 giờ nhập viện.

Bệnh bạch hầu là gì và nguy hiểm như thế nào?

Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo, cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch. Mũi 1: tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi; mũi 2: sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi 3: sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.