Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng: Không lo thiếu máu

01/08/2017 08:44 GMT+7

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng số ca mắc ở TP.HCM và khu vực phía Nam, có một số ca bệnh nặng và tử vong, nhiều người lo ngại khả năng có thể xảy ra là thiếu máu (tiểu cầu) truyền cho bệnh nhân SXH do nguồn cung ít trong mùa hè.

 Tuy nhiên, tại TP.HCM, các bệnh viện (BV) và ngân hàng máu nói không để chuyện đó xảy ra.
Chưa thiếu máu cho bệnh nhân SXH
Bác sĩ (BS) Hồ Minh Thu, Trưởng Phòng kế hoạch - tổng hợp BV Nhi đồng 2, cho biết không phải trường hợp nào bị SXH nặng cũng truyền tiểu cầu, đa số là truyền dịch và dùng thuốc vận mạch thì sẽ ổn định, trừ những ca bị xuất huyết - chảy máu nhiều đến mức thiếu máu và tiểu cầu trong máu giảm xuống quá thấp thì mới truyền tiểu cầu để đảm bảo một phần chức năng đông máu. Tại BV, các khu vực cần máu nhiều nhất, thường xuyên là hồi sức cấp cứu, phòng mổ. “Bệnh viện ngày nào cũng đi mua tiểu cầu nhưng không phải dùng cho bệnh nhân SXH mà chủ yếu là bệnh nhân bị suy tủy, bệnh nhân bị giảm tiểu cầu… “, BS Thu nói.
Hiến tiểu cầu tại BV Truyền máu huyết học TP. Ảnh: Duy Tính
Còn Ths - BS Nguyễn Thị Minh Thư, Phó trưởng phòng kế hoạch - tổng hợp, BV Nhi đồng 1, cho biết thêm BV có hợp đồng với BV Chợ Rẫy, BV Truyền máu huyết học cung ứng máu các loại, nếu thiếu thì mua ở BV Quân y 175. Nhưng thực tế thì BV Nhi đồng 1 dự trù đủ và BV Truyền máu huyết học cũng đã cung ứng đủ và không nghe nói thiếu gì.
“Hiện tại bệnh nhân SXH truyền máu rất ít, mỗi ngày BV lãnh về chủ yếu là để truyền cho các bệnh nhân khác (chủ yếu dùng cho nhiễm trùng huyết, bệnh lý về máu như suy tủy, xuất huyết giảm tiểu cầu… Trước giờ chưa có tình trạng thiếu tiểu cầu, đặc biệt là cho bệnh SXH vì số ca cần truyền tiều cầu là quá ít”, BS Thư nói.

tin liên quan

Theo chuyên gia đi bắt muỗi 'đại gia'
6 giờ 30 ngày 26.7, chiếc xe xuất phát từ Viện Pasteur TP.HCM đưa các chuyên gia về côn trùng, dịch tễ cùng 2 ba lô chứa trang thiết bị bắt muỗi, lăng quăng trực chỉ TX.Dĩ An (Bình Dương) để bắt "đại gia" gây bệnh sốt xuất huyết - muỗi vằn Aedes aegypti.

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cũng cho rằng nguồn cung ứng tiểu cầu cho BV từ ngân hàng máu BV Truyền máu huyết học và lúc nào cũng đủ, mặc dù có những mùa số ca bệnh tăng cao, sốc nhiều. Ca truyền tiểu cầu nhiều nhất tại BV là 80 đơn vị nhưng vẫn được cung cấp đầy đủ. Hiện BV có một ca SXH sốc nặng nhưng không cần truyền tiểu cầu.
Nếu thiếu sẽ huy động nguồn hiến dự bị
Trước tình hình SXH đang tăng nhanh, số lượng tiểu cầu cần cho điều trị bệnh nhân “có thể” sẽ tăng, BV Chợ Rẫy đang vận động người dân đăng ký hiến tiểu cầu thường xuyên. Hiện mỗi ngày bệnh viện dự trữ khoảng 50-70 đơn vị tiểu cầu.
Khu bảo quản tiểu cầu, máu của BV Truyền máu huyết học TP Duy Tính
Còn theo BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu huyết học (ngân hàng máu), để có tiểu cầu truyền cho bệnh nhân trong tình huống dịch bệnh thì các BV phải đăng ký tại BV Truyền máu huyết học. Bởi vì nguồn tiểu cầu tại BV hiện nay chủ yếu lấy từ người hiến tiểu cầu bằng máy chiết tách (chiết tách tiểu cầu trực tiếp từ cơ thể người hiến qua máy). Đời sống của tiểu cầu rất ngắn (1 tuần), nên khi lấy ra chỉ để từ 3 - 5 ngày là tối đa, tốt nhất là 3 ngày. Do vậy BV chỉ sản xuất theo nhu cầu của BV chứ không làm dư.

tin liên quan

Tránh hiểu sai về sốt xuất huyết
Triệu chứng ban đầu có thể gây nhầm lẫn với sốt vi rút thông thường, khiến bệnh nhân chủ quan, không điều trị kịp thời làm tăng nguy cơ tử vong.

Trung bình mỗi tuần tại BV có trên 300 người hiến tiểu cầu với 1.800 đơn vị được lấy (mỗi đơn vị 40 ml). Số lượng này đủ cung cấp cho các BV trên địa bàn TP hằng tuần. Đôi khi có dao động giảm, hoặc tăng khoảng 300 đơn vị/tuần thì BV sẽ gọi người hiến dự bị vào để lấy thêm. “Hiện nay, nguồn cung ứng tiểu cầu cho bệnh nhân vẫn đảm bảo. Nếu thiếu, cần thiết sẽ gọi người hiến dự bị vào lấy. Người lấy tiều cầu 2 tuần thì có thể tiếp tục hiến lại, tuy nhiên BV để những người này 4 tuần mới cho lấy lại để đảm bảo sức khỏe. Nếu có tình huống dịch bệnh, thiên tai cần nhiều tiểu cầu thì BV cũng sẽ sử dụng nguồn hiến máu dự bị”, BS Dũng nói.
Tiểu cầu là một trong những tế bào máu có chức năng cầm máu. Tiểu cầu được sử dụng để truyền cho một số bệnh nhân sốt xuất huyết mất máu nặng, bệnh nhân phẫu thuật, ung thư máu, rối loạn đông máu, suy tủy...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.