Bệnh nhân đái tháo đường trong khu cách ly tự chăm sóc như thế nào?

20/07/2021 04:07 GMT+7

Tăng đường huyết là thủ phạm khiến cho các bệnh nhân đái tháo đường nhiễm Covid-19 dễ bị biến chứng nặng và tử vong.

Tăng đường huyết làm suy yếu hệ miễn dịch, nên khi nhiễm Covid-19, cơ thể giảm khả năng ngăn chặn vi rút lan tràn và tấn công các cơ quan. Đường huyết cao có thể là môi trường tốt cho vi rút phát triển.
Những bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) béo phì và/hoặc có các biến chứng tim mạch, tăng huyết áp, suy thận… có nguy cơ cao hơn bị suy hô hấp và tử vong.
Đáng lưu ý, bệnh nhân ĐTĐ trong khu cách ly, khu phong tỏa dễ bị các biến chứng hạ đường huyết, nhiễm toan ceton, nhiễm trùng bàn chân... Nguyên nhân:
- Không thể đi khám, làm xét nghiệm, kể cả khi bệnh nặng.
- Không mua được thuốc, hết thuốc.
- Không có chỗ tập thể dục thể thao. Đồng thời ngủ nhiều, xem ti vi nhiều.
- Khó mua rau xanh nên ăn nhiều thịt, đồ xào, rán, đồ ngọt hơn.
- Dễ bị rối loạn tâm lý, dễ quên thuốc.

Kiểm soát tốt đường huyết khi bị cách ly

Cần chuẩn bị tốt nhất cho thời gian cách ly, bao gồm chuẩn bị đầy đủ nhất có thể thuốc (gồm cả thuốc huyết áp, thuốc mỡ máu...), que thử đường máu. Tìm hiểu kỹ về cách điều trị bệnh ĐTĐ khi bị ốm, sốt.
Bệnh nhân nên đặt mục tiêu và kế hoạch thực hiện mục tiêu đó. Tất nhiên nói dễ hơn làm, nhưng ít nhất người bệnh phải ăn đúng giờ, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, tận dụng thời gian rỗi cho việc đọc sách, tìm hiểu thông tin tư vấn, hướng dẫn điều trị ĐTĐ.

Chăm sóc tinh thần

Hạn chế xem nghe các tin tức về dịch Covid-19 trên mạng xã hội. Đọc tin tức trên các phương tiện truyền thông chính thống 1 - 2 lần/ngày để tránh bị stress.
Dành thời gian cho những công việc mình yêu thích, những hoạt động giúp bạn thấy thoải mái, thư giãn.
Giữ liên lạc, trao đổi với mọi người trong gia đình, bạn bè, để không có cảm giác cô đơn.
Ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày.

Chế độ dinh dưỡng là cực kỳ quan trọng

Hãy ăn lành mạnh nhất có thể, chế độ ăn nên đa dạng và cân bằng, không ăn quá nhiều. Ăn đúng giờ và đủ bữa cũng rất quan trọng. Nếu không thể có được các loại rau hay thực phẩm bạn vẫn thường ăn, thì coi đây là cơ hội để thử các loại đồ ăn mới.
Hạn chế ăn các bữa phụ, vì khi buồn chán, mọi người có xu hướng tìm niềm vui trong ăn uống, dẫn đến đường huyết tăng cao.
Bổ sung vitamin D.

Cố gắng vận động nhiều

Việc vận động có thể duy trì bằng các bài tập trong nhà như: đi bộ nhanh trên thảm, đạp xe tại chỗ... Các bài tập nâng toàn thân để duy trì sức mạnh cơ như chống đẩy, đứng lên - ngồi xuống, các bài tập tăng sức cơ bụng hoặc cơ thắt lưng.
Tập nhảy dây, lên xuống cầu thang…
Làm việc nhà, làm vườn cũng rất hữu ích.
Hạn chế xem ti vi, không quá 1 giờ/ngày.

Sử dụng thuốc đái tháo đường

Uống đầy đủ các thuốc ĐTĐ và phải đo đường huyết hằng ngày. Ở đa số bệnh nhân, mục tiêu đường huyết trước bữa ăn là 5,0 - 7,2 mmol/L, và sau ăn là <10,0 mmol/L. Nếu đường huyết đạt mục tiêu và ổn định, nên duy trì phác đồ điều trị.
Nếu bị hạ đường huyết hoặc đường huyết cao nhiều thì nên liên hệ với bác sĩ để xin ý kiến sớm. Các bệnh nhân điều trị insulin nên duy trì tiêm như cũ, đồng thời tìm hiểu lại kỹ thuật tiêm, bảo quản thuốc cho đúng. Các bệnh nhân cần duy trì uống đầy đủ các thuốc huyết áp, mỡ máu…

Tăng cường kết nối với bác sĩ

Những bệnh nhân ĐTĐ trong khu cách ly, phong tỏa nên tận dụng công nghệ, internet để tìm hiểu nhiều hơn về cách điều trị bệnh ĐTĐ, sử dụng Viber, Zalo… để liên lạc với bác sĩ khi thấy có các dấu hiệu bất thường như loét chân, đường huyết cao, sốt…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.