Bệnh nào dân văn phòng khó tránh?

11/11/2017 09:37 GMT+7

Đau cổ - vai - gáy là triệu chứng thường gặp, đặc biệt đối với những người hay ngồi lâu một tư thế, ít vận động. Các bác sĩ chuyên khoa cột sống thường dùng thuật ngữ “đau cổ - vai - gáy cơ năng”, hay “đau do tư thế”.

Tuy nhiên, những trường hợp cơn đau dữ dội, không chịu nổi ngay từ đầu từ cổ lan xuống vai, cánh tay và kéo dài trên 3 tuần thì không nên xem nhẹ.
Bỏ qua những triệu chứng như trên có thể dẫn đến các hậu quả khó lường, như liệt vận động, rối loạn cơ vòng (bí tiểu tiện), phẫu thuật trễ sẽ khó đem lại kết quả như mong muốn.
1/ Đau cổ - vai - gáy do tư thế
Đây là mức độ nhẹ nhất, sớm nhất của tổn thương cột sống cổ, thường gặp ở người trẻ, tuổi lao động. Ở mức độ này, người ta thấy cơn đau xuất hiện sau một thời gian đứng hay ngồi lâu, thường gặp ở nhân viên văn phòng...

tin liên quan

Ổ bệnh trong văn phòng
Bệ ngồi bồn cầu và chuột vi tính văn phòng, cái nào lắm vi khuẩn hơn? Chuột vi tính bẩn hơn, gấp 3 lần. 
Khi cơn đau xuất hiện, tốt nhất bạn nên đứng dậy, đi lại, thay đổi tư thế, vươn vai, xoay cánh tay, xoay trở đầu - cổ nhẹ nhàng, đặc biệt là động tác gồng nhẹ cơ vùng cổ - vai (chỗ nào đau thì gồng) vài giây rồi thả lỏng, cơn đau sẽ giảm hẳn.
Để phòng ngừa chứng đau này, bạn chỉ nên ngồi tối đa 30 - 45 phút, sau đó nên thay đổi tư thế, đi lại, tập vận động nhẹ nhàng cơ cổ, vai, cánh tay... trong khoảng 5 - 10 phút rồi ngồi làm việc tiếp. Đặc biệt, tư thế ngồi phải thẳng lưng, thẳng cổ; màn hình máy vi tính phải để ngang tầm mắt, cách khoảng 60 cm, hai vai thoải mái và ghế có tựa lưng êm đến đỉnh đầu càng tốt.
2/ Đau do rễ thần kinh bị chèn ép
Triệu chứng là đau cổ, đau lan ra vai, xuống cánh tay - cẳng tay - bàn tay và đến các ngón tay. Đôi khi xuất hiện cảm giác tê hay các dị cảm khác kèm theo dọc đường đi của rễ thần kinh bị chèn ép. Tình trạng này thường hay gặp ở độ tuổi 40 - 50, hoặc đôi khi người trẻ hơn cũng bị. Mức độ đau tăng lên khi bệnh nhân cúi cổ, ngửa cổ hoặc xoay cổ qua trái, qua phải. Nếu thần kinh bị chèn ép nặng, kéo dài sẽ dẫn đến teo cơ cánh tay, bàn tay. Cơn đau nhiều khi dữ dội khiến bệnh nhân không nằm được, rất khó chịu.
Thủ phạm gây chèn ép rễ thần kinh ở cổ thường là do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (do bệnh lý hoặc sau chấn thương), thoái hóa cột sống cổ (chèn ép do gai xương thoái hóa hoặc do phì đại các cấu trúc dây chằng). Đa số trường hợp chỉ một rễ thần kinh bị chèn ép và chỉ một bên cổ, vai, cánh tay đau. Một số ít trường hợp xảy ra hai tầng bệnh với hai rễ thần kinh đau cùng bên. Do đó, khi xuất hiện triệu chứng vừa kể trên, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để biết rõ nguyên nhân và được điều trị kịp thời.

tin liên quan

Hội chứng dân cao ốc văn phòng
Thiếu vận động thể lực và ngồi triền miên trong “tủ kính” khiến cư dân văn phòng có thể dễ mắc, thậm chí độc quyền về một số bệnh. Cục Quản lý môi trường - Bộ Y tế đã lưu ý về 6 loại bệnh đang 'tấn công' vào giới văn phòng.
3/ Bệnh lý tủy cổ do thoái hóa
Bệnh này thường gặp ở độ tuổi từ 50 - 60, với biểu hiện đau cổ - vai - gáy kéo dài nhiều năm, nặng dần do không điều trị đúng chuyên khoa. Triệu chứng thường gặp của bệnh lý tủy cổ mạn tính do thoái hóa là tê các ngón tay: tê 2 ngón (áp út và ngón út), tê 3 ngón (cái, trỏ, giữa) hoặc tê cả năm ngón tay. Cảm giác tê thường xuất hiện cả ngón tay mặt lưng hay bên trong lòng, khác với tê đầu năm ngón tay trong bệnh viêm khớp dạng thấp. Tê từ vai lan xuống cánh tay, cẳng tay, bàn tay đến các ngón tay; tê thân mình; tê cẳng bàn chân; mất cử động khéo léo các ngón tay (khó cầm đũa gắp thức ăn, cầm muỗng dễ hơn nhưng dần dần cũng khó khăn; chữ viết xấu dần; vụng về khi cài nút áo). Cánh tay, cẳng tay, bàn tay yếu dần (không cầm nắm được đồ vật, khó cử động cổ tay, sấp ngửa cẳng tay, gập duỗi cẳng tay yếu dần; nắm tay lỏng lẻo...) các triệu chứng này do liệt vận động một phần hai tay. Dáng đi kiểu co giật giống rô bốt do liệt vận động hai chân (bệnh nhân yếu dần hai chân, đi lại khó khăn hơn trên đường bằng phẳng; khi bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân không thể lên xuống thang một mình, không đi xa được). Tăng các phản xạ tự động tủy (các phản xạ gân xương). Cuối cùng là rối loạn tiêu tiểu (nặng nhất là bí tiểu).
Với các triệu chứng của bệnh lý rễ thần kinh cổ bị chèn ép hay bệnh lý tủy cổ ở mức độ nhẹ thì nên điều trị bảo tồn. Cụ thể là nghỉ ngơi, tránh các động tác sai tư thế làm bệnh trầm trọng thêm như vặn xoắn, nghiêng xoay quá mức cột sống, kéo cột sống cổ thường không hiệu quả. Nên dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ... sử dụng phối hợp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Với bệnh lý này, điều trị bảo tồn không hiệu quả. Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh nhân đau nặng dần. Việc phẫu thuật mang lại kết quả tốt cho bệnh nhân hay không tùy thuộc giai đoạn và mức độ nặng của bệnh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.