Bệnh mất trí nhớ Alzheimer có thể ‘lây lan’ qua máu

03/11/2017 20:58 GMT+7

Lần đầu tiên, các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng cho thấy chứng mất trí nhớ Alzheimer có thể ‘lây lan’ qua máu.

Nguyên nhân do sự xâm nhập của một loại protein gây bệnh Alzheimer từ cơ thể mắc bệnh sang cơ thể khỏe mạnh.
Trong phòng thí nghiệm, những con chuột khỏe mạnh có truyền máu với những con chuột mắc Alzheimer sau đó đã xuất hiện những triệu chứng của chính căn bệnh này.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia (Canada) tin rằng loại protein gây bệnh Alzheimer mang tên beta-amyloid có khả năng lây truyền qua máu, theo Daily Mail.
Bệnh Alzheimer xuất hiện chủ yếu là do sự tích tụ các mảng bám của protein amyloid beta trong não, gây tắc nghẽn tín hiệu thần kinh và dần làm tê liệt chức năng nhận thức của não bộ. Tác giả chính của nghiên cứu là giáo sư Weihong Song cũng lưu ý mọi người không nên quá cảnh giác với nguy cơ lây bệnh do truyền máu.
“Sẽ luôn có protein beta-amyloid truyền qua máu họ khi một người sử dụng phương pháp truyền máu, bất kể máu người hiến có mắc bệnh Alzheimer hay không. Nguyên nhân vì protein beta-amyloid có thể xuất hiện ở nhiều nơi khác trên cơ thể. Tôi tin rằng nguy cơ hình thành các mảng bám beta-amyloid trong não do truyền máu là thấp vì mức độ lây truyền beta-amyloid khi truyền máu là rất ít”, giáo sư Weihong Song cho biết.
Trong nghiên cứu, những con chuột khỏe mạnh nhận máu của những con bị mắc Alzheimer bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh sau một năm, trong đó có cả hiện tượng nhiều tế bào thần kinh ở trung tâm bộ não và vùng hồi hải mã chết dần.
“Loại protein gây bệnh đã xâm nhập vào não những con khỏe mạnh và gây ra tình trạng thoái hóa thần kinh”, giáo sư Weihong Song nói thêm.
Phát hiện mới đã nhận được những đánh giá cao từ cộng đồng khoa học. “Đây là nghiên cứu rất thú vị ở chuột cho thấy loại protein gây bệnh Alzheimer có thể xâm nhập vào máu thông qua con đường truyền máu và đi vào não nhiều tháng sau đó”, giáo sư Tara Spires-Jones tại Đại học Edinburgh (Anh) nhận định.

tin liên quan

Không bao giờ được lấy ráy tai!
'Không bao giờ được lấy ráy tai', giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phạm Kiên Hữu, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.