Bệnh gì lúc nói lúc câm?

Kiều Oanh
Kiều Oanh
30/04/2018 15:29 GMT+7

Câm nín chọn lọc có thể khiến trẻ "đứng hình" hoàn toàn, cạy miệng cũng không nói ở những môi trường làm cho bệnh nhân sợ.

N.H.H.Q là một học sinh lớp 6. Ở trường, em bị liệt vào dạng lì lợm và cá biệt bởi không bao giờ chịu hé răng. Không biết bao nhiêu lần, em khiến các giáo viên nổi giận vì hỏi gì em cũng không nói, dẫu làm bài thì cứ ro ro, ngay cả làm trong vở hoặc trên bảng. Sự bực bội của giáo viên càng tăng thêm khi gia đình khẳng định ở nhà em vẫn giao tiếp với cha mẹ, chị gái bình thường, không gặp rắc rối gì.

Chính vì nghĩ Q. quá nhút nhát, gia đình đã bảo bọc em quá nhiều, cha mẹ Q. quyết định gởi em học nội trú, tin rằng khi ở trong môi trường không có sự trợ giúp của cha mẹ, buộc phải giao tiếp, tình hình sẽ cải thiện. Kết quả: từ chỉ câm nín ở trường, Q. trở nên câm nín hoàn toàn, ngay cả lúc về nhà cũng không bao giờ chịu hé răng nữa. Hoảng hốt, gia đình đưa Q. đến khám ở khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 thì nhận được một chẩn đoán nghe tên lạ hoắc: câm nín chọn lọc.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Minh Triết (Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết câm nín chọn lọc là một chẩn đoán tâm lý nằm trong nhóm rối loạn lo âu, trong đó phổ biến nhất là nhóm con ám ảnh sợ xã hội. Chính sự ám ảnh này khiến cho bệnh nhân sợ sệt, không tự tin ở một số môi trường xã hội nào đó, chẳng hạn trường học, công sở.... Câm nín xã hội có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em.
Sự hiểu biết và hỗ trợ của giáo viên tại trường học là rất quan trọng với các rối loạn tâm lý trẻ em Đào Ngọc Thạch
Quay lại với trường hợp học sinh Q. kể trên, bác sĩ Triết cho biết môi trường nội trú là một sang chấn tâm lý rất lớn với học sinh này, làm trầm trọng thêm chứng ám ảnh sợ xã hội ở em, khiến em câm nín luôn với cả bố mẹ. Đây là một ca phức tạp, sau 6 tháng điều trị, em cũng chỉ mới nói lại rất ít với chị gái, người em thân nhất. Còn với ba mẹ, em vẫn chưa nói.
Bác sĩ Triết cho biết thường nhà chuyên môn sẽ không chỉ đơn giản hài lòng với chẩn đoán câm nín chọn lọc mà mở rộng đánh giá vì câm nín chọn lọc có thể chỉ là biểu hiện của các chứng bệnh phức tạp hơn làm cho bệnh nhân co rút lại, trong đó một trong những biểu hiện là không nói. Có những ca bệnh phải dùng thuốc, còn nếu ở mức độ nhẹ thì thường được can thiệp tâm lý trước. Lúc này chuyên viên, phụ huynh và giáo viên đều phải có kiến thức và phối hợp với nhau để giúp đứa trẻ tự tin lên, dần dần thoát bệnh.
Câm nín chọn lọc là chứng bệnh trẻ có biểu hiện nói ở môi trường này nhưng không thể nói ở môi trường khác. Một trong những yếu tố để chẩn đoán bệnh là tình trạng kéo dài trên 4 tuần, không cải thiện, ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt, công việc, học tập của bệnh nhân. Riêng một số trẻ em bản tính nhút nhát, khi đến môi trường lạ thì không nói nhưng dần dần cải thiện khi quen thuộc thì không phải là câm nín chọn lọc.
Câm nín chọn lọc khác biệt hoàn toàn với trẻ câm, không bao giờ nói. Nó cũng khác biệt với những rối loạn phát triển như tự kỷ, trong đó rất nhiều trẻ cũng không bao giờ nói được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.