Báo động chứng nghiện hành vi bạo lực do game

Liên Châu
Liên Châu
14/06/2020 04:34 GMT+7

Chuyên gia về sức khỏe tâm thần cảnh báo các tác hại nghiêm trọng với thanh thiếu niên nghiện game. Đáng lưu ý, các thanh thiếu niên nghiện hành vi bạo lực do nghiện game có thể gây hại cho bản thân và người xung quanh.

Như thế nào được coi là nghiện game?

Th.S-BS Trần Quyết Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết: “Nghiện game được xếp loại là một trong các rối loạn kiểm soát. Nghiện game cũng có thể là một triệu chứng của một số bệnh tâm thần đã được liệt kê trong bảng phân loại bệnh quốc tế”. Khác với nghiện chất (nghiện rượu, ma túy), nghiện game là một chứng nghiện hành vi, tương tự nghiện cờ bạc, nghiện sex, nghiện internet…
Nghiện game là khi một người chơi liên tục bất kể giờ giấc khiến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng. Trẻ nghiện game không còn hứng thú với việc học tập và những hoạt động mà trước kia vẫn thích. Người nghiện game có thể mắc các chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin, dễ bị kích động, cảm giác có tội lỗi vì không kiểm soát được hành vi chơi game của mình. Để có tiền chơi game và thỏa mãn cơn nghiện, một số thanh thiếu niên còn có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản, thậm chí tước đoạt tính mạng của người khác.
Bên cạnh đó, người nghiện game còn có tình trạng rối loạn giấc ngủ. Nguyên nhân là do não bị kích thích bởi những ám ảnh khi chơi game, đặc biệt là trò chơi bạo lực. Điều này rất có hại với sức khỏe nói chung và não bộ nói riêng, dẫn đến cơ thể bị suy nhược và không thể tập trung.
Đau đầu cũng là biểu hiện ở các trường hợp nghiện game do tập trung nhìn màn hình quá lâu. Người nghiện game còn có thể mắc chứng khô mắt, đỏ mắt, đau lưng, đau tay, đau cổ do phải ngồi quá lâu ở một tư thế.

Rối loạn tâm sinh lý dẫn đến hành vi sai trái

“Hậu quả nặng nề nhất mà các người nghiện game phải gánh chịu là rối loạn tâm sinh lý”, BS Trần Quyết Thắng nói.
Không chỉ thể chất bị tàn phá nghiêm trọng, người nghiện game còn gánh chịu những hậu quả khôn lường về mặt tinh thần. Các đối tượng này ít tham gia hoạt động xã hội, không giao tiếp với mọi người dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, mất bạn bè. Trẻ học giảm sút, chán học, bỏ học, thậm chí có thể lấy tiền học để chơi game thay vì nộp học phí cho nhà trường.
Ngoài ra, trẻ nghiện game dễ bị rối loạn tâm sinh lý, một phần do hưng phấn hoặc tiêu cực quá mức khi chơi game, một phần khác do bị ảnh hưởng bởi tính cách của các nhân vật trong game nên dễ dẫn đến hành vi sai trái, bạo lực.
Trẻ đam mê chơi trò chơi bạo lực thường bị ảnh hưởng bởi những hình ảnh trong game và trở nên hung hăng hơn, dễ trở thành thủ phạm hoặc nạn nhân của những hành vi bạo lực ngoài đời.
Từ năm 2018, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp thanh thiếu niên nghiện game online, chủ yếu là nam.
Để đưa người bệnh trở lại cuộc sống lành mạnh, các bác sĩ sẽ thăm khám để tìm ra bệnh lý, từ đó kết hợp liệu pháp hóa dược (các thuốc chống trầm cảm, giải lo âu, an thần kinh…) và liệu pháp lao động, liệu pháp tâm lý để chữa trị.

Để phòng ngừa nghiện game ở trẻ em và thanh thiếu niên, phụ huynh cần:

Giới hạn thời lượng sử dụng internet để tra cứu thông tin và làm bài tập ở nhà, giám sát trẻ trong việc sử dụng internet và mạng xã hội.
Dành thời gian nói chuyện với con về lo âu, căng thẳng ở trường học, các tác nhân tiềm tàng khác có thể gây ra việc sử dụng internet quá mức để giải tỏa.
Cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ, chuyên gia tâm lý nếu trẻ dành quá nhiều thời gian cho điện thoại, máy tính. (Nguồn: Bệnh viện Tâm thần Hà Nội) 

Biểu hiện nghiện game ở trẻ

Theo BS Trần Quyết Thắng, phụ huynh cần lưu tâm một số biểu hiện của nghiện game là:
Không điều khiển được bản thân khỏi game. Ví dụ như chơi bất kỳ nơi đâu, chơi liên tục, chơi bất kể lúc nào, làm ảnh hưởng tới tiến độ làm bài tập về nhà, đi học đúng giờ, khả năng tập trung, mục tiêu học tập...
Trẻ coi trọng việc chơi game hơn tất cả những việc khác trong cuộc sống, dẫn đến thay đổi các thói quen lành mạnh hoặc sinh hoạt thông thường: ăn uống, vệ sinh, tắm rửa, chơi thể thao... BS Thắng lưu ý: “Khi trẻ bất chấp hậu quả tiêu cực xảy đến, game vẫn trở thành thứ tiên quyết trong cuộc sống của trẻ, đó là tình trạng đặc biệt đáng lo ngại”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.