Bác sĩ ơi: Có nên tự đi truyền dịch để 'bồi bổ' cơ thể không?

02/11/2019 08:26 GMT+7

Thời gian qua, do công việc nhiều nên tôi thường xuyên mệt mỏi, sụt cân, cảm thấy sức khỏe giảm sút. Tôi có thể tự đi truyền dịch ở các phòng khám để tăng cường sức khỏe không? ( Trần Thanh Nhân , 45 tuổi, ngụ Bình Dương)

Bác sĩ Kim Phúc Thành, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM):
Khi có dấu hiệu sốt cao, chán ăn, cơ thể mệt mỏi, nhiều người thường nghĩ tới việc truyền đạm (người dân vẫn gọi nôm na là truyền dịch, truyền nước) để phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, việc tự ý truyền dịch có thể dẫn tới nhiều biến chứng khó lường như phù phổi, tim hay thậm chí tử vong do sốc phản vệ.
Vì vậy, việc truyền dịch nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ phải qua thăm khám và có các xét nghiệm cần thiết mới quyết định có truyền dịch cho bệnh nhân hay không.
Truyền đạm là truyền các chất có lợi vào cơ thể để hỗ trợ điều trị bệnh hoặc phục hồi sức khỏe. Dịch truyền là các dung dịch hòa tan gồm nhiều chất khác nhau, có thể tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh. Phần lớn dung môi sử dụng trong dịch truyền là nước cất. Ngoài ra, còn có thể sử dụng một số loại dung môi khác để hòa tan dược chất.
Để quyết định bệnh nhân có cần truyền dịch hay không, bác sĩ thường dựa vào các kết quả xét nghiệm để thấy được trường hợp nào cần thiết và trường hợp nào chưa cần thiết truyền dịch bổ sung, cũng như số lượng bổ sung là bao nhiêu.
Có một số trường hợp đặc biệt, dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng bác sĩ vẫn phải cho bệnh nhân truyền đạm, như: người bệnh bị mất nước (do nôn quá nhiều, tiêu chảy), mất máu, bị ngộ độc, suy dinh dưỡng nặng, trước và sau khi phẫu thuật. Đối với bệnh nhẹ thì tốt nhất không nên truyền dịch.
Nếu cơ thể bị mất nước nhưng vẫn ăn uống được thì truyền đạm không tốt bằng phương pháp bù nước qua đường uống. Cụ thể, truyền một chai glucose 5% chỉ tương đương với việc uống gần một thìa cà phê đường, truyền một chai dung dịch muối 9% chỉ như uống một bát canh nhạt.
Tự ý truyền dịch có thể gây ra những tai biến khó lường. Đặc biệt, không phải nhân viên y tế nào cũng biết cách ứng phó trước nguy cơ tai biến, dị ứng, sốc, nhiễm khuẩn, phù não... Vì vậy, mọi người tuyệt đối không được tự ý đến cơ sở y tế, nhà thuốc hoặc mời dược sĩ về nhà truyền dịch khi chưa được khám, xét nghiệm các chỉ số liên quan.
Người bệnh chỉ truyền đạm khi có chỉ định của bác sĩ xác định rõ tình trạng sức khỏe, loại dịch truyền và liều lượng. Việc truyền đạm cần được thực hiện ở cơ sở y tế có bác sĩ chuyên môn theo dõi, có dụng cụ và thiết bị xử lý phù hợp.
Câu hỏi xin gửi về địa chỉ: suckhoeamthuc@thanhnien.vn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.