Bác sĩ chỉ 4 cách giúp giảm nhịp tim đập nhanh bất thường

Ngọc Quý
Ngọc Quý
12/09/2020 08:18 GMT+7

Nhịp tim đập nhanh ở trạng thái nghỉ ngơi là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cao mắc bệnh tim. Điều này cho thấy tim đang phải hoạt động vất vả hơn.

Nhịp tim ở trạng thái nghỉ ngơi là nhịp tim khi đang nằm, ngủ hoặc không thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào. Đây được xem là một trong những yếu tố giúp dự đoán chính xác nguy cơ mắc bệnh tim, theo The Healthy.
“Nhịp đập nhanh hơn sẽ khiến tim cần nhiều ô xy hơn, gây áp lực cho hệ tim mạch”, bác sĩ Kim Fox tại Bệnh viện Hoàng gia Brompton ở thành phố London (Anh) giải thích.
Để giảm nhịp tim đập nhanh bất thường, các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện những biện pháp sau:

1. Tăng cường hoạt động thể chất

Khi tim thường xuyên đập nhanh bất thường thì giảm nhịp tim có thể cắt giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Điều này sẽ đạt được nhờ tập thể dục.
Ở các vận động viên hay những người tập thể dục thường xuyên, nhịp tim ở trạng thái nghỉ ngơi của họ thường thấp hơn người bình thường. Đây không phải là dấu hiệu bệnh mà là tín hiệu cho thấy việc tập luyện đang tác động tích cực đến tim mạch. Vì nhịp tim ở trạng thái nghỉ ngơi thấp nên áp lực hoạt động lên tim và các mạch máu cũng ít hơn, các chuyên gia giải thích.

2. Giảm cân

Một trong những yếu tố có thể dự đoán nguy cơ mắc bệnh tim là chỉ số khối cơ thể (BMI). Cơ thể càng đồ sộ, càng nhiều mỡ thừa thì tim phải hoạt động nhiều hơn để đảm bảo cung cấp máu đến khắp cơ thể. Tình trạng này sẽ khiến nhịp tim đập nhanh hơn.
Do đó, giảm cân ở người thừa cân, béo phì sẽ giúp điều hòa lại nhịp tim. Một nghiên cứu của Đại học Utah (Mỹ) cho thấy giảm cân có thể giúp giảm đáng kể nhịp tim trong trạng thái nghỉ ngơi ở người béo phì.

Thừa cân, béo phì khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để đảm bảo cung cấp máu đến khắp cơ thể

Ảnh minh họa: Shutterstock

3. Nạp đủ kali

Một trong những dấu hiệu cơ thể không nhận đủ kali là nhịp tim nhanh. Do đó, một chế độ ăn lành mạnh và đủ chất sẽ góp phần giúp ổn định nhịp tim.
Để cơ thể nạp đủ kali, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn các món giàu kali như chuối, các loại rau xanh lá đậm, cà chua, khoai tây và trái bơ. Ngoài ra, mọi người nên tập trung vào thực phẩm tự nhiên thay vì dựa vào thực phẩm bổ sung kali.

4. Ngủ đủ giấc

Khi ngủ, nhịp tim và huyết áp sẽ giảm xuống. Vì vậy, giấc ngủ ngon có vai trò quan trọng với sức khỏe tim mạch. Nếu thiếu ngủ, tim sẽ không có đủ thời gian để giảm huyết áp xuống mức cần thiết, dẫn đến tăng huyết áp.
Một nghiên cứu của tổ chức National Sleep Foundation phát hiện ngủ dưới 6 tiếng/đêm có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Để có trái tim khỏe mạnh, mọi người cần ngủ từ 7 đến 9 giờ/đêm, theo The Healthy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.