Bác sĩ Cần Thơ cứu sống bệnh nhân Singapore bị nhồi máu cơ tim cấp

Đình Tuyển
Đình Tuyển
23/08/2019 16:11 GMT+7

Các bác sĩ khoa Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cứu sống kịp thời một bệnh nhân người Singapore bị nhồi máu cơ tim cấp rất nặng.

Khoảng 4 giờ sáng 23.8, ông Tan Pohck (66 tuổi, quốc tịch Singapore, tạm trú tại quận Ô Môn, Cần Thơ) đột ngột lên cơn đau ngực trái dữ dội kiểu bóp nghẹt vùng trước tim kéo dài, vã mồ hôi. Ngay sau đó, bệnh nhân này được đưa đến bệnh viện quận và chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu.
Qua khám lâm sàng và kết quả điện tim, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước rộng với nguy cơ tử vong rất cao. Đặc biệt, bệnh nhân còn bị nhiều bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp nhiều năm, đã điều trị liên tục theo toa thuốc của bác sĩ tại Singapore.

Ê kíp bác sĩ Tim mạch can thiệp đang đặt stent cho ông Tan Pohck

Ảnh: Đình Tuyển

Xác định đây là ca bệnh nghiêm trọng, quy trình báo động đỏ nội viện được lập tức khởi động; phòng can thiệp tim mạch cũng được khởi động để sẵn sàng tiến hành can thiệp cho bệnh nhân.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc nhánh liên thất trước đoạn gần có huyết khối, hẹp 50-70% hai nhánh mạch vành còn lại. Ê kíp can thiệp do Ths.BS Trần Văn Triệu (thủ thuật viên chính), BS Nguyễn Huỳnh Minh Thông đã tiến hành can thiệp mạch vành cho bệnh nhân bằng cách nong bóng và đặt stent phủ thuốc vào đoạn gần và đoạn giữa nhánh liên thất trước.
Khoảng 20 phút sau, ca can thiệp thành công, mạch vành của bệnh nhân được tái thông trở lại.
Sau can thiệp, bệnh nhân mạch, huyết áp ổn định, giảm đau ngực nhiều và tiếp tục điều trị tại Khoa Tim mạch can thiệp.
“Khi vào bệnh viện tôi đau ngực rất nhiều và rất lo lắng vì căn bệnh của mình. Rất may ở bệnh viện này, các bác sĩ đã xử trí nhanh, giúp tôi thoát khỏi nguy hiểm. Hiện tại sau can thiệp, tôi thấy khỏe nhiều, không còn đau ngực. Xin cám ơn các bác sĩ, y tá ở đã rất nhiệt tình cứu sống tôi”, ông Tan Pohck nói.

Hình ảnh mạch vành của ông Tan Pohck trước và sau khi can thiệp

Ảnh: Đình Tuyển

Theo Ths.BS Trần Văn Triệu (Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ), nhồi máu cơ tim cấp là một cấp cứu tim mạch có đến 30% người bệnh tử vong trước nhập viện. Đặc biệt, những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp trước rộng là bệnh rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao trong những giờ đầu vì biến chứng loạn nhịp và choáng tim, nhồi máu cơ tim có những biến chứng nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị cần nhanh và chính xác.
Nguyên nhân của nhồi máu cơ tim là sự tắc nghẽn đột ngột của mạch máu nuôi tim do cục máu đông. Nguyên tắc chung là tái lập dòng máu chảy trong đoạn động mạch vành bị tắc càng sớm càng tốt để cứu vãn tối đa phần cơ tim do thiếu máu nuôi dưỡng nằm xen lẫn với những vùng cơ tim đã chết vì hoại tử do thiếu máu.
“Trong thời gian qua tại bệnh viện đã thực hiện can thiệp thành công nhiều trường hợp bệnh mạch vành cấp cứu, nhưng đây là trường hợp đầu tiên can thiệp mạch vành cấp cứu cho bệnh nhân người nước ngoài”, BS Triệu nói.
* Trước đó ngày 22.8, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng đã điều trị thành công cho một bệnh nhân người Na Uy bị sỏi niệu quản biến chứng cơn đau quặn thận. Đây là bệnh nhân có nguy cơ rất cao về tim mạch do đã đặt stent mạch vành trước đó.
BS.CK 2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, người nước ngoài sinh sống và làm việc nhiều nên việc liên tiếp thực hiện thành công các ca cấp cứu trên rất ý nghĩa. Nó góp phần giúp người nước ngoài an tâm làm việc và công tác ở địa phương. Và đây cũng là lý do thời gian qua, ngoài nâng cao trình độ chuyên môn, các kỹ năng giao tiếp, tư vấn y khoa bằng ngoại ngữ của đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện cũng được chú trọng nâng cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.