Ăn uống cũng làm ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học

17/10/2016 15:07 GMT+7

Thực phẩm không chỉ nuôi dưỡng cơ thể mà còn ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học bên trong cơ thể.

Đồng hồ sinh học hay còn gọi là nhịp sinh học, là những biến đổi của cơ thể trong chu kỳ 24 giờ. Đồng hồ sinh học điều chỉnh tất cả mọi thứ từ ăn uống đến giấc ngủ. Các nhà khoa học tin rằng tuân thủ giờ giấc của đồng hồ sinh học có thể tối ưu hóa sức khỏe của con người.
Trong báo cáo đăng trên tạp chí Cell Press, các nhà khoa học cho biết có thể điều chỉnh đồng hồ sinh học bằng chế độ ăn uống và phát hiện này có thể giúp bệnh nhân có thể đặt lại đồng hồ sinh học bên trong cơ thể.
Theo Science Daily, từ lâu các nhà khoa học đã biết về chiếc đồng hồ báo thức sinh học 24 giờ điều chỉnh chu kỳ ngủ thức theo ngày đêm, nhưng gần đây, các nhà khoa học còn nhận ra một loại đồng hồ “thức ăn” khác. Trong nghiên cứu của mình, tiến sĩ Masashi Yanagisawa tại Đại học Texas (Mỹ) cùng các cộng sự cố gắng tìm hiểu đồng hồ “thức ăn” hoạt động như thế nào bằng cách biến đổi chu kỳ ăn uống của chuột. Bình thường, chuột là loài hoạt động ban đêm và thường ăn vào lúc trời tối. Nhưng các nhà khoa học đã điều chỉnh mô hình ăn uống của chúng bằng cách để thức ăn xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn vào ban ngày.

tin liên quan

Làm sao để tối ưu hóa đồng hồ sinh học của cơ thể?
Đồng hồ sinh học của cơ thể là nơi điều chỉnh tất cả mọi thứ từ ăn uống đến ngủ. Các nhà khoa học thế giới tin rằng tuân thủ giờ của đồng hồ sinh học có thể tối ưu hóa sức khỏe của con người, theo Healthista.
Kết quả là những con chuột thay đổi mô hình thức ngủ sau vài tuần, và dần trở thành loài hoạt động ban ngày. Qua phân tích não chuột, nhóm nghiên cứu phát hiện một số gien nhất định được bật vào giờ ăn. Các con chuột cũng gia tăng hành vi thức giấc và tìm kiếm thức ăn ngay trước khi đồ ăn xuất hiện.
Ngoài ra, một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Current Biology cũng cho thấy hệ thống điều khiển thời gian sinh học của người và chuột hoạt động gần như giống nhau ở mức độ phân tử. Các tế bào có đồng hồ phân tử của riêng chúng. Những đồng hồ này được điều khiển bằng một đồng hồ sinh học chính ở não. Đồng hồ chính điều khiển chu kỳ sinh học và đáp ứng với insulin tuân theo chu kỳ này. Insulin là loại hoóc môn được sản sinh ra nhằm phản ứng với việc đưa glucoza vào cơ thể, và nó cũng tác động tới đồng hồ sinh học. Insulin giúp ống ruột - dạ dày sẵn sàng hoạt động vào thời điểm chúng ta ăn uống; và khi xem xét hoạt động của insulin với đồng hồ sinh học, các nhà khoa học nhận thấy hoạt động của insulin bị khóa trong giai đoạn nghỉ ngơi (không ăn).
Nắm được cơ chế này, các nhà khoa học cho rằng có thể giúp cơ thể con người dễ dàng vượt qua tình trạng rối loạn nhịp sinh học khi đi máy bay dài ngày, trải qua các múi giờ khác nhau, bằng cách chỉ cần bổ sung vào thức ăn những thành phần kích thích sản sinh insulin để dạ dày hoạt động vào thời gian không chuẩn với nhịp sinh học của nó. Tóm lại, ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc tác động tới đồng hồ sinh học của mỗi người.
Cũng bàn về vấn đề ăn uống ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học, tiến sĩ Gerda Pot, giảng viên chuyên khoa tiểu đường và khoa học dinh dưỡng thuộc Trường King’s College London (Anh) mới đây cũng cho biết những người tiêu thụ lượng calo nhiều nhưng không ăn uống theo thời gian cố định dễ mắc bệnh béo phì hơn những người luôn duy trì thói quen ăn uống đúng giờ. Ăn uống không đều đặn dễ dẫn đến tăng cân cùng với những nguy cơ khác đối với sức khỏe, như: tăng cân, béo phì, huyết áp cao, tiểu đường loại 2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.