Ai có nguy cơ cao bị 'cục máu đông' nguy hiểm?

Thiên Lan
Thiên Lan
11/06/2020 00:05 GMT+7

Huyết khối tĩnh mạch sâu là hiện tượng cục máu đông có nguy cơ gây tử vong - hình thành ở chân và di chuyển đến phổi.

Hậu quả là có thể làm tắc mạch phổi, tắc nghẽn dòng máu cần thiết đến phổi, có thể gây tử vong, theo Live Strong.
Tiến sĩ Maja Zaric, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York (Mỹ), giải thích: Các cục máu đông ở đùi rất nghiêm trọng và biểu hiện bằng sưng to và đau từ đùi đến háng.
Điều này có thể xảy ra trong vòng vài phút. Những dấu hiệu khác là đỏ và đau, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Nếu gặp các triệu chứng cục máu đông này, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức, bác sĩ Zaric khuyên.

Những ai có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch?

Phòng khám Mayo Clinic xác định 8 yếu tố rủi ro sau:

1. Thời gian bất động kéo dài

Thời gian dài nằm viện hoặc chuyến bay dài. Theo CDC Mỹ, có đến 50% trường hợp cục máu đông xảy ra trong hoặc sau thời gian dài nằm viện.

2. Chấn thương tĩnh mạch

3. Dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hoóc môn

4. Hút thuốc

5. Mang thai

6. Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị huyết khối tĩnh mạch

7. Tuổi cao

8. Béo phì

Tiến sĩ Zaric cho biết những người có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch cao nhất là người bị rối loạn đông máu do di truyền, mắc bệnh tự miễn làm cho máu kết dính nên đông nhanh hơn hoặc tổn thương mạch máu. Tất cả những yếu tố này sẽ gây ứ đọng, khiến máu dễ bị vón cục hơn. Thậm chí, huyết khối tĩnh mạch có thể xảy ra ngay cả khi không có những rủi ro này.
Cần biết rằng, điều thực sự nguy hiểm không phải là việc hình thành huyết khối tĩnh mạch, mà là nguy cơ nó di chuyển đến phổi, tiến sĩ Zaric cho biết, theo Live Strong.

Triệu chứng của thuyên tắc mạch phổi chết người

Theo Mayo Clinic, các triệu chứng của tắc mạch phổi bao gồm:
• Hụt hơi
• Đau ngực
• Ho
• Đổ mồ hôi
• Tim đập loạn nhịp

Chiến lược phòng chống huyết khối tĩnh mạch

Điều quan trọng là ngăn chặn huyết khối tĩnh mạch, và cách hiệu quả nhất là mang vớ nén chống giãn tĩnh mạch. Cách này có thể giữ cho máu ở phần dưới của chân chảy tự do và không bị ứ đọng.

1. Mang vớ nén

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người đi máy bay đường dài, nếu mang vớ nén, sẽ không hình thành cục máu đông, trong khi những người không mang vớ nén có nhiều nguy cơ, tiến sĩ Zaric cho biết, theo Live Strong.
Người cao tuổi nên mang vớ nén cao đến đầu gối để chống giãn tĩnh mạch trong các chuyến bay kéo dài từ 5 giờ trở lên, bác sĩ khuyên.

2. Cử động chân thường xuyên

Cần phải di chuyển thường xuyên mỗi ngày. Bất kỳ hoạt động nào khiến bắp chân cử động đều có lợi trong việc ngăn máu ứ đọng ở phần dưới của chân, như đạp xe hoặc sử dụng máy chạy bộ, tiến sĩ Zaric nói.

3. Thay đổi lối sống

Duy trì cân nặng hợp lý và bỏ hút thuốc cũng có thể làm giảm nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch.

4. Đi khám

Nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch của mình và luôn luôn tìm kiếm sự chăm sóc cho các triệu chứng cục máu đông, tiến sĩ Zaric nói, theo Live Strong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.