7 cách đơn giản để ngăn ngừa bệnh đường ruột

Thiên Lan
Thiên Lan
25/09/2019 14:35 GMT+7

Hệ tiêu hóa có nhiệm vụ chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng cần thiết.

Chế độ ăn nhiều carbs tinh chế, chất béo bão hòa và phụ gia thực phẩm làm tăng nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, theo Health Line.
Các chất phụ gia thực phẩm, như glucose, muối và các hóa chất khác, góp phần làm tăng viêm ruột, dẫn đến một tình trạng rò rỉ ruột. Chất béo chuyển hóa có trong nhiều thực phẩm chế biến làm tăng nguy cơ phát triển viêm loét đại tràng.
Rất may là khoa học đã chứng minh có một số cách bảo vệ chống lại các bệnh về tiêu hóa.
Sau đây là 7 biện pháp có thể giúp ích cho hệ tiêu hóa của bạn, theo Patricia Bannan.

1. Ăn chậm nhai kỹ

Nước bọt được tạo ra khi nhai thức ăn có chứa enzyme amylase, giúp chuyển hóa thức ăn trong khi nhai. Khi nhai kỹ, thức ăn được nghiền thành các miếng nhỏ giúp quá trình tiêu hóa bên trong dạ dày tiêu tốn ít năng lượng và enzyme hơn, dẫn đến việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

2. Sử dụng thêm thực phẩm lên men

Thực phẩm lên men chứa vi khuẩn có lợi, giúp ngăn ngừa viêm đường tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích. Nên thêm thực phẩm có men vi sinh tự nhiên như kim chi, sữa chua, dưa muối, các loại rau củ quả muối vào bữa ăn, theo Patricia Bannan.
Ngoài ra, prebiotic là một loại chất xơ nuôi vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Chế độ ăn nhiều chất xơ này giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm ruột. Prebiotic có nhiều trong trái cây, rau và ngũ cốc.

3. Ăn nhiều thực phẩm có chất xơ

Chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm nguy cơ loét dạ dày, trào ngược, trĩ, viêm túi thừa và hội chứng ruột kích thích.
Chất xơ không hòa tan góp vào thành phần của chất thải, giúp thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón.
Chất xơ có nhiều trong trái cây, rau, hạt, các loại đậu và ngũ cốc còn nguyên lớp cám.

4. Thêm chất béo lành mạnh vào chế độ ăn

Chất béo cần thiết cho sự hấp thụ chất dinh dưỡng thích hợp.
Không như chất béo chuyển hóa, axit béo omega-3 có thể làm giảm nguy cơ viêm loét đại tràng, theo Health Line.
A xít béo omega-3 có nhiều trong hạt lanh, hạt chia, quả óc chó và các loại cá béo.

5. Uống nhiều nước

Uống không đủ nước, chất xơ không thể thực hiện công việc của mình. Nước và chất xơ phối hợp với nhau để vận chuyển thức ăn xuyên suốt qua đường tiêu hóa. Nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, theo Patricia Bannan.

6. Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng tạo ra hoóc môn cortisol, có thể dẫn đến rối loạn hệ tiêu hóa, hấp thu kém, khó tiêu, kích ứng và viêm đường ruột.
Thở sâu hoặc ở bên người vui vẻ, tích cực có thể giúp ích cho hệ tiêu hóa. Thiền và tập thể dục có thể giúp giảm căng thẳng.

7. Vận động

Tập thể dục thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để cải thiện tiêu hóa. Đi dạo sau bữa ăn có thể giúp ruột vận chuyển thức ăn tốt hơn.
Một nghiên cứu cho thấy tập thể dục vừa phải, như đạp xe và chạy bộ, làm tăng thời gian vận chuyển đường ruột lên gần 30%.
Nghiên cứu cũng cho thấy 30 phút đi bộ mỗi ngày đã cải thiện đáng kể chứng táo bón.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.