7 ca dương tính với bệnh bạch hầu ở Quảng Nam

11/10/2017 15:01 GMT+7

Ngày 11.10, ông Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết Viện Pasteur Nha Trang kết luận sơ bộ 7 trường hợp ở Nam Trà My dương tính với bệnh bạch hầu.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh bạch hầu đối với các học sinh Trường tiểu học Trà Vân (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), theo ông Văn, Sở Y tế Quảng Nam đã trực tiếp đến hiện trường, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh, tổ chức điều trị cho các bệnh nhân.

tin liên quan

Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh bạch hầu
Trước tình hình dịch bạch hầu bùng phát những ngày cuối năm, đã có 2 người tử vong, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo để phòng bệnh.
Nói về việc tổ chức tiêm phòng nhưng vẫn xảy ra tình trạng mắc bệnh ở các huyện miền núi, ông Văn nói: Bệnh bạch hầu xảy ra tại Nam Trà My ở lứa tuổi từ 8 đến 12; trong khi ở huyện Tây Giang (phát hiện ổ dịch trong tháng 1 và 5.2017) ở độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi. Theo y văn thế giới, miễn dịch bạch hầu sau khi tiêm vắc xin là miễn dịch không bền vững, nó giảm theo thời gian. Cứ khoảng 10 năm sau khi tiêm vắc xin, hiệu giá kháng thể sẽ giảm đi 40%.
“Ở các nước tiên tiến, cứ sau 10 năm người ta tiêm nhắc lại vắc xin. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam có chỉ định, trẻ em từ 2 tháng tuổi đến dưới 4 tuổi phải tiêm nhắc lại mũi thứ 4 vắc xin bạch hầu mới đảm bảo phòng bệnh. Thứ nữa, nhà sản xuất cũng khuyến cáo tỉ lệ trẻ mắc bệnh sau tiêm cũng xảy ra. 100 em được tiêm chủng không có nghĩa là 100 em đều được miễn dịch. Các vắc xin chúng ta đang dùng, hiệu lực bảo vệ là 95%”, ông Văn lý giải.
Cũng theo ông Văn, tại đồng bằng, việc tiêm chủng bạch hầu rất tốt, trong khi đó tại miền núi, môi trường ẩm, lạnh khiến vi khuẩn tồn tại, cộng với tiêm chủng không đầy đủ nên vi khuẩn có điều kiện xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Trong khi đó, ở miền núi do địa hình phức tạp, từ nóc này qua nóc khác, từ thôn này qua thôn khác cách xa nhau nửa ngày đường đi bộ nên việc bảo quản vắc xin không đảm bảo chất lượng 100%. Đó cũng là lý do khiến nhiều trường hợp đã tiêm phòng, nhưng vẫn có khả năng mắc bệnh.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Văn khẳng định ngành y tế Quảng Nam không hề giấu dịch mà sẽ thận trọng công khai khi đã có kết quả cuối cùng từ Viện Pasteurs Nha Trang.
“Ngay trong ngày hôm nay, Viện Pasteur Nha Trang cử cán bộ và một chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới đến hiện trường để kiểm tra lần cuối và sẽ công bố kết quả chính thức”, ông Văn nói.
Theo lãnh đạo ngành y tế Quảng Nam, hiện vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu tại Quảng Nam chỉ dự trữ đủ để tiêm cho các cháu trong diện tiêm chủng mở rộng thôi. Còn khi có kết luận về ổ dịch thì Viện Pasteur Nha Trang điều tiết vắc xin từ các tỉnh, thành khác về chủng ngừa.
“Khi đã công bố dịch, phải đến giữa tháng 11.2017, mới có đủ vắc vin tiêm phòng”, ông Văn khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.