5 căn bệnh thường đi kèm với bệnh thận mạn tính

Thiên Lan
Thiên Lan
20/03/2019 15:28 GMT+7

Bệnh thận là 'kẻ giết người thầm lặng', cướp đi mạng sống của gần 1/10 dân số trên toàn cầu.

Bệnh thận mạn tính thường không đi một mình. Trong nhiều trường hợp, nó đi kèm với các bệnh khác hoặc được kích hoạt bởi một số bệnh khác.
Tiểu đường là bệnh phổ biến nhất có thể dẫn đến suy thận. Ngoài bệnh tiểu đường, còn có nhiều bệnh khác liên quan đến bệnh thận như vô sinh, bệnh về xương, trầm cảm, kinh nguyệt không đều, theo The Health Site.

1. Trầm cảm ở phụ nữ

Những người bị suy thận thường bị mất ngủ, một số người bị mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Sau một thời gian, rối loạn giấc ngủ có thể dẫn đến đau đầu, trầm cảm, và mệt mỏi.
Nhiều người cảm thấy chán nản khi mới bắt đầu lọc máu, thời gian dành cho việc lọc máu có thể gây khó khăn. Bệnh nhân phải chịu nhiều thay đổi trong công việc hoặc cuộc sống. Việc theo chặt chẽ một lịch trình về lịch chạy thận hay chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng có thể gây khó khăn. Tất cả những yếu tố trên dễ dẫn đến trầm cảm.
Một số nghiên cứu đã lưu ý rằng phụ nữ thường phát triển các triệu chứng trầm cảm so với nam giới. Bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu ảnh hưởng của bệnh ngày càng trầm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của mình.
Bệnh trầm cảm thường có thể được điều trị bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và lọc máu, thuốc men và giữ tinh thần lạc quan, theo The Health Site.

2. Vô sinh

Ở người đang bị bệnh thận mạn tính, khả năng mang thai sẽ giảm đáng kể. Bệnh này cũng ảnh hưởng đến nội tiết tố nữ ức chế sự rụng trứng, từ đó làm tăng khả năng sẩy thai.
Ngoài ra, suy thận và các bệnh lý kèm theo cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới do hoóc môn androgen được sản xuất từ tuyến thượng thận bị suy giảm. Nam giới bị suy thận thường bị suy giảm chất lượng tinh trùng, gây vô sinh.
Tuy nhiên, nếu bệnh nhẹ, thể trạng của bệnh nhân tốt và được điều trị tốt, thì nam giới bị suy thận vẫn có thể có con

3. Loãng xương

Bệnh thận mạn tính, cùng với sự rối loạn nội tiết tố nữ, có thể trực tiếp làm đảo lộn sự cân bằng canxi. Thận bị bệnh không thải trừ được lượng phốt pho thừa ra ngoài, nên lượng phốt pho tăng cao trong máu, cơ thể phải huy động canxi từ xương ra máu để đảm bảo cân bằng phốt pho - canxi trong cơ thể, dẫn đến mất canxi ở xương, lâu ngày gây loãng xương.
Đây là lý do tại sao những phụ nữ trải qua chạy thận có nhiều nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
Có thể giải quyết vấn đề này bằng việc bổ sung canxi và vitamin và giảm lượng phốt pho trong khẩu phần ăn, tập thể dục thường xuyên vừa sức cho xương được tăng cường canxi.

4. Rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt gồm xuất huyết quá nhiều, mãn kinh sớm và mất kinh là những bất thường về kinh nguyệt mà phụ nữ bị bệnh thận mạn tính thường gặp phải.
Khi bắt đầu chạy thận, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có thể ngừng lại hoàn toàn và khi chức năng thận giảm xuống dưới 20% bình thường, phụ nữ ít có khả năng thụ thai hơn do chạy thận.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị cho bệnh nhân ghép thận để giải quyết các biến chứng này.

5. Huyết áp cao và bệnh tiểu đường

Hai bệnh này có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Trong trường hợp đang bị bệnh thận mạn tính và huyết áp tăng vọt, người bệnh dễ bị suy tim và thậm chí chảy máu trong não. Mặt khác, bệnh tiểu đường có thể gây nhiễm trùng ở những bệnh nhân được lọc máu.
Khi chức năng thận giảm nặng, cơ thể sẽ bị tích trữ quá nhiều kali có thể dẫn đến nhịp tim bất thường và quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp. Bệnh thận mạn tính cũng dẫn đến việc tích tụ canxi kết tủa trong mạch máu và tim gây xơ vữa động mạch.
Nó cũng có thể gây thiếu máu, do sự giảm sút tế bào hồng cầu. Tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để duy trì mức ô xy. Nếu tim làm việc quá sức, cơ tim trở nên lớn hơn và điều này có thể dẫn đến suy tim.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.