4 thói quen tưởng vô hại lại có thể gây loãng xương

Ngọc Quý
Ngọc Quý
02/05/2019 08:16 GMT+7

Thiếu canxi có thể làm giảm mật độ xương và tăng nguy cơ bị loãng xương . Không chỉ có vậy, một số thói quen thường ngày cũng góp phần gây loãng xương.

Ngồi nhiều

Các thống kê ở Mỹ cho thấy có khoảng 10 triệu người đang bị loãng xương. 80% trong số đó là phụ nữ. Dù loãng xương là căn bệnh rất phổ biến nhưng thay đổi lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, theo Reader’s Digest.
Một lối sống thụ động, ít vận động, ngồi nhiều sẽ làm tăng nguy cơ loãng xương. Đối với xương, muốn chúng khỏe mạnh thì phải vận động, từ đi bộ đến các bài tập sức mạnh như nâng tạ.
Xương sẽ thích ứng với cường độ tập và tăng mật độ xương bên trong, bác sĩ chỉnh hình Jonathan Lee tại Hệ thống Y tế Montefiore (Mỹ) cho biết.

Ăn low carb

Chế độ ăn low carb với ít tinh bột hoặc chế độ ăn dựa chủ yếu vào protein đều không tốt cho xương. “Ăn nhiều protein có thể khiến thận bài tiết nhiều canxi ra khỏi cơ thể”, bác sĩ Lee tiết lộ.
Canxi là một trong những nguyên liệu quan trọng giúp phát triển và duy trì sức khỏe xương. Mất canxi có thể làm giảm mật độ xương và gây loãng xương. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại phát hiện là protein giúp cơ thể hấp thụ nhiều canxi hơn.
Do đó, ăn protein ở mức độ vừa phải là tốt, trong khi nạp quá nhiều lại gây hại, theo Reader’s Digest.

Ăn mặn

Ăn nhiều muối không chỉ dễ gây huyết áp cao mà còn dẫn đến loãng xương. Khi ăn nhiều muối, thận sẽ hoạt động nhiều hơn để loại bỏ natri khỏi cơ thể, quá trình này cũng khiến canxi bị đào thải ra ngoài.
Một nghiên cứu ở Nhật phát hiện những phụ nữ mãn kinh ăn nhiều muối có nguy cơ gãy xương cao gấp 4 lần những người ăn ít muối, theo Reader’s Digest.

Giảm cân quá nhiều

Với những người có nhiều mỡ thừa thì thì giảm cân là rất tốt. Giảm cân mang lại cho họ rất nhiều lợi ích sức khỏe và ngăn ngừa nhiều bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, khi giảm cân quá nhiều lại có thể gây hại cho xương.
Chỉ số BMI từ 18.5 đến 24.9 được xem là khỏe mạnh. BMI dưới 18.5 được xem là gầy. Họ có thể đang bị thiếu dinh dưỡng và có nguy cơ cao hơn bị loãng xương, theo Reader’s Digest.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.