4 dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị quá tải

Thanh Lương
Thanh Lương
15/09/2021 11:05 GMT+7

Một số dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn đang quá tải vì công việc và cần quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn

Tiến sĩ Jane McNeill, chuyên gia tâm lý học của Trung tâm dịch vụ sức khỏe tâm thần Clinical Partners (Anh), mới đây nhận định với nhật báo Independent rằng ngày càng nhiều người đã bỏ qua các vấn đề sức khỏe tâm thần của bản thân để đổi lấy thành tích trong công việc.
Điều này có thể mang lại nhiều tác hại lâu dài và nếu không sớm cân bằng lại, họ có thể gặp phải nhiều vấn đề trong tương lai. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn đang quá tải vì công việc và cần quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn.

Ốm thường xuyên

Sức khỏe thể chất và tinh thần gắn bó chặt chẽ với nhau. Cơ thể của chúng ta thường gửi những dấu hiệu cảnh báo sớm trước khi tình trạng kiệt sức đến gần, nhưng đa phần mọi người thường bỏ qua hoặc dễ dàng gán chúng với các vấn đề sức khỏe thông thường như đau bụng, đau cơ hoặc đau đầu.
“Tất nhiên những nguyên nhân vật lý là khá phổ biến, tuy nhiên mọi người cũng nên xem xét liệu căng thẳng có phải là một tác nhân hay không. Đồng thời, điều quan trọng là phải chú ý đến bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể, vì có thể nó đang cố nói với chúng ta điều gì đó. Khi cơ thể gửi một tín hiệu nào đó thông qua cảm giác thường luôn có lý do”, tiến sĩ McNeill cho biết.

Mất ngủ và nửa đêm vẫn nghĩ về công việc

Tiến sĩ McNeill chia sẻ: “Căng thẳng trong công việc là điều không thể tránh khỏi và đôi khi nó cản trở một giấc ngủ ngon. Hãy cố gắng thư giãn, có thể bằng cách viết ra những lo lắng hoặc suy nghĩ, tâm tư. Ngoài ra, bạn nên duy trì các hoạt động thể chất trong ngày để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ”.

Làm việc liên tục, không có điểm dừng

Không ai có thể làm việc liên tục mà không cần nghỉ ngơi, chúng ta nên đảm bảo rằng mình cân bằng tốt giữa quỹ thời gian dành cho công việc và thời gian của bản thân. Đây cũng là cách để giữ vững năng suất làm việc.
Chuyên gia tâm lý McNeill cho biết điều quan trọng là mọi người cần đặt ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và gia đình, thông qua các hành động cụ thể như tắt điện thoại hoặc đóng máy tính cá nhân khi sinh hoạt với gia đình. Không nên tập trung vào các thiết bị này 24/7.

Tự cô lập

Tiến sĩ McNeill chia sẻ nếu một người luôn nhận định tiêu cực về bản thân, chẳng hạn như cảm thấy bản thân luôn là một kẻ thất bại trong công việc, đó là một dấu hiệu cảnh báo lớn về sức khỏe tâm thần.
“Điều này cũng có thể quan sát được ở những người quá cầu toàn. Họ liên tục thúc ép bản thân hoàn thành công việc một cách hoàn hảo và thường tự thấy mình chưa đủ xuất sắc, từ đó tự cô lập và chìm trong những suy nghĩ tiêu cực. Dạng suy nghĩ này ảnh hưởng rất có hại đến sức khỏe tâm thần”, chuyên gia này nhận định và chia sẻ thêm: “Nếu bạn nhận ra mình đang liên tục gặp khó khăn và thất bại với chính những tiêu chuẩn khắt khe đã tự đặt ra, thì đã đến lúc bạn nên ngừng lại một chút, cho phép mình có một khoảng thời gian giải lao. Cơ thể của bạn sẽ cảm ơn bạn vì điều đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.