18 năm mang tiếng 'thần kinh', bất ngờ khỏi bệnh nhờ… mổ tai vá màng nhĩ

12/09/2019 16:32 GMT+7

Sau tai nạn giao thông, bị ngã đập đầu xuống đất, 18 năm qua, bệnh nhân nhức đầu triền miên, đi khám và được chẩn đoán thành nhiều bệnh khác nhau, thậm chí cả tâm thần nhưng điều trị không khỏi.

Cuối cùng, các bác sĩ phát hiện nguyên nhân sau cuộc mổ tai vá màng nhĩ cho bệnh nhân.

18 năm triền miên đi khám, không ra bệnh

Hôm nay (12.9), tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng Khoa Nhi - Tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM), cho biết: Bệnh nhân D.K.A (39 tuổi, ngụ Khánh Hòa) vừa được mổ điều trị viêm tai giữa tái phát tại Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM). Bất ngờ trong cuộc mổ, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có chỗ khuyết xương trần hòm nhĩ (trong tai giữa) và rò dịch não tủy kín đáo vào tai phải. Đây chính là nguyên nhân của những cơn đau đầu triền miên, khiến bệnh nhân tưởng mình bị… tâm thần suốt 18 năm qua.

Nữ bệnh nhân điều trị viêm tai giữa 19 năm mới biết bị rò dịch não tủy

Theo lời kể của bệnh nhân, năm 2001, chị bị xe tông, đập đầu xuống đất và bị lên cơn co giật. Khi đó, bệnh nhân bị máu bầm trong não và được điều trị thuốc tan máu bầm.
Sau chấn thương, tai phải của bệnh nhân bắt đầu chảy dịch và mủ tái đi tái lại. Bệnh nhân cũng bị nhức đầu, sốt về chiều.
Chị đã đi điều trị tại nhiều bệnh viện với nhiều chẩn đoán và điều trị khác nhau như: viêm tai giữa, di chứng thần kinh sau chấn thương đầu, viêm màng não,…
Năm 2016, chị được mổ nội soi vá màng nhĩ tại bệnh viện ở Khánh Hòa. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân vẫn bị đau đầu, choáng váng, ngủ hay bị ảo giác, thỉnh thoảng lên cơn co giật, sụt cân.
Bệnh nhân lại tiếp tục đi khám và điều trị ở khắp các bệnh viện từ Bắc vào Nam, sử dụng kháng sinh mạnh, cả thuốc điều trị tâm thần, với liều càng ngày càng tăng.
“Đến nỗi, tôi sợ ngủ vào ban đêm vì khi ngủ luôn có cảm giác lơ mơ, ảo giác. Thế nên, đêm tôi không ngủ mà đi lang thang. Ở nhà cứ nói tôi bị… thần kinh do tai nạn tông xe. Phải dùng thuốc tâm thần và kháng sinh liên tục, liều càng ngày càng tăng nên tôi sợ cảm giác dùng thuốc”, chị A. kể lại.
Gần đây, chị đau đầu nhiều hơn (từ đau đỉnh đầu, đã chuyển biến thành đau nửa đầu), chóng mặt, mắt một bên mờ, cứng hàm phải, tai phải chảy dịch. Lại đi khám tại một bệnh viện ở TP.HCM, chị được chẩn đoán bị viêm xoang, viêm tai giữa tái phát nhưng điều trị không khỏi.

Rò dịch não tủy kín đáo

Giữa tháng 8, chị A. đã đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, được chẩn đoán viêm tai giữa phải tái phát. Bệnh nhân được uống thuốc điều trị 1 tuần thì tai khô, hết viêm tai nhưng vẫn than “đau đầu chịu không nổi”.

Dịch não tủy âm thầm chảy rất ít vào tai giữa (khoang màu đỏ) của bệnh nhân qua chỗ khuyết xương trần hòm nhĩ

BSCC

Bác sĩ Thúy cho biết, qua phim CT scan, các bác sĩ phát hiện có vùng xương bị mỏng ở trần hòm nhĩ bên phải nhưng điều này cũng không thể xác định có rò dịch não tủy. Ngoài ra, các cấu trúc tai trong giới hạn bình thường.
Các bác sĩ đã quyết định mổ mở tai với sự thận trọng để kiểm tra vì ngay trước đó bệnh nhân khai có nhức đầu nhiều và hay chảy dịch, gần đây có máu từ tai phải.
“Qua phẫu thuật, bác sĩ phát hiện vùng khuyết xương trần hòm nhĩ khá lớn nhưng dịch não tủy dò vào trong tai lại kín đáo với lượng ít, phải quan sát kỹ mới thấy. Chính vì vậy, qua 18 năm điều trị sau chấn thương đầu do tai nạn xe tông, bệnh nhân không được bác sĩ phát hiện. Bác sĩ đã tiến hành vá lỗ rò dịch não tủy và vá màng nhĩ cho bệnh nhân”, bác sĩ Thúy cho biết.
Sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tốt, có thể xuất viện. Hiện bệnh nhân đã hết nhức đầu, hết mờ mắt, ăn uống lại bình thường, ngủ ngon giấc, không còn ảo giác, bắt đầu tăng cân trở lại và có thể sinh hoạt bình thường.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM: Đây là trường hợp rất hy hữu, một trường hợp rò dịch não tủy vào tai sau chấn thương khó phát hiện. Bệnh nhân đã phải chịu đựng những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống, phải xuôi ngược đi khám nhiều nơi và điều trị kéo dài.
“Rò dịch não tủy âm thầm, kín đáo sau chấn thương đầu rất khó phát hiện. Các hình ảnh cận lâm sàng lại không rõ ràng khiến bác sĩ dễ bỏ qua, dẫn đến điều trị sai hướng. Khi bỏ soát bệnh sẽ rất nguy hiểm vì lỗ rò tạo “đường thông thương” từ tai lên não, gây nguy cơ viêm màng não với thời gian rất dài, cũng khiến cuộc mổ vá nhĩ trước thất bại, viêm tai tái đi tái lại”, bác sĩ Thủy đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.