Sửa quy định 'siết vốn' doanh nghiệp

18/08/2023 06:22 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan sửa đổi Thông tư 06/2023 quy định về hoạt động cho vay của các ngân hàng, trước ngày thông tư có hiệu lực.

Tăng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công văn hỏa tốc số 746/TTg-KTTH ngày 16.8 giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp ngay với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan liên quan để nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06/2023, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp (DN). Việc này thực hiện với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của DN, người dân, bảo đảm chính sách khi ban hành phải đúng, trúng, không cản trở sự phát triển và phù hợp, kịp thời xử lý vướng mắc. Công văn yêu cầu báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20.8.

Sửa quy định 'siết vốn' doanh nghiệp - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa ngay Thông tư 06/2023 để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Ngọc Thắng

Trước đó vào cuối tháng 6, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay của các NH. Quy định mới liệt kê đến 10 trường hợp mà các NH không được cho vay, tăng thêm 4 trường hợp so với quy định hiện hành. Chẳng hạn, tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay…

Thông tư 06 ngay sau khi ban hành đã vấp phải sự phản đối của nhiều DN và chuyên gia tài chính vì siết chặt hoạt động cho vay của NH, từ đó DN, người dân khó tiếp cận vốn tín dụng từ các nhà băng.

Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) đã có 2 công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ và NHNN kiến nghị sửa đổi một số quy định chưa hợp lý. Ngay sau khi có công văn chỉ đạo của Thủ tướng về việc sửa đổi Thông tư 06, HoREA tiếp tục kiến nghị NHNN xem xét bỏ quy định cấm cho vay đối với nhu cầu vốn "để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh".

Theo HoREA, các quy định hiện hành như luật Các tổ chức tín dụng 2010, luật Đầu tư 2020… đều quy định rõ nhà đầu tư có nhu cầu vay vốn sử dụng vào mục đích hợp pháp thì có thể tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn theo quy định về tín dụng. Như vậy việc khách hàng vay vốn thì phải đáp ứng điều kiện vay vốn. Nếu NHNN quan ngại việc cho vay này tiềm ẩn rủi ro thì phải thực hiện giải pháp kiểm soát rủi ro chứ không nên cấm, không cho vay. Việc khách hàng dùng số tiền vay để góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh thì sẽ chịu trách nhiệm đối với phần vốn góp của mình. Hơn nữa, phần vốn góp từ nguồn này là tiền thật, vốn thật nên sẽ không xảy ra tình trạng phản ánh không chính xác năng lực tài chính của công ty; không phải là một trong những hình thức để che giấu hình thức sở hữu lẫn nhau như quan ngại của NHNN.

Đặc biệt, theo HoREA, quy định cấm NH không được cho khách hàng vay để góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay là chưa đồng bộ, thống nhất với quy định tại luật Kinh doanh BĐS 2014. Bởi khi dự án BĐS đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định thì chủ đầu tư không có nhu cầu vay tín dụng.

"Quy định này không chỉ tác động đến hoạt động kinh doanh BĐS mà còn tác động "tiêu cực" đến đầu tư phát triển nói chung vì áp dụng đối với mọi dự án đầu tư, nên một số dự án đầu tư khác cũng sẽ rơi vào trường hợp bị cấm cho vay, như các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) thực hiện các công trình hạ tầng, cầu đường, cảng, sân bay, nhà máy điện, bệnh viện, trường học, nông, lâm, ngư nghiệp…", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nói.

Nếu không sửa, vốn cho thị trường đều tắc

Ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc xem xét các quy định tại Thông tư 06 trước khi có hiệu lực là cần thiết nhằm hỗ trợ thị trường, đặc biệt là BĐS. Chính phủ đã liên tục đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như khơi thông vốn cho thị trường này. Trong khi đó, Thông tư 06 có một số quy định cấm sẽ khiến cho dòng vốn vào BĐS bị tắc, chẳng hạn không cho vay hợp đồng hợp tác kinh doanh… Nếu không sửa Thông tư 06 và áp dụng từ ngày 1.9 sẽ gây tắc cho dòng vốn chảy vào thị trường BĐS.

Đồng tình, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Thông tư 06 quy định các NH không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh là nặng nề nhất. Bởi tại thời điểm này, sau khi DN đã bỏ một số tiền lớn để mua đất, thậm chí đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng và là lúc DN có nhu cầu vay vốn để đầu tư xây dựng dự án khi dự án đã có đủ pháp lý. Vì vậy, các DN rất cần được "bơm" vốn thời điểm này để dự án có thể triển khai xây dựng và hoàn tất. Trong đó, nguồn vốn vay hoặc thông qua hợp đồng hợp tác từ người mua nhà là cần thiết cho các chủ đầu tư. Do đó với các kiến nghị từ phía DN thì việc lắng nghe, sửa đổi từ Chính phủ đến NHNN là cần thiết, và trong đó nên bỏ những quy định chưa phù hợp. Đặc biệt, quyết định cho vay nên để cho NH lựa chọn khách hàng miễn sao đáp ứng được các quy định về cho vay chung cũng như đảm bảo an toàn theo những quy định về kiểm soát rủi ro của NHNN đã đưa ra.

Lãnh đạo một NH tại TP.HCM cũng nhấn mạnh, nếu Thông tư 06 không được sửa đổi thì hoạt động cho vay sẽ "phức tạp hơn hiện nay". Trước khi Thông tư 06 có hiệu lực, khách hàng cá nhân mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà, nếu vay NH khác hoặc mượn tiền người thân để thanh toán thì sau đó NH có thể cho vay hoàn vốn (bù đắp tài chính), nhưng sau ngày 1.9 sẽ không thể cho vay sản phẩm này. Thay vào đó, Thông tư 06 quy định NH có thể cho vay khi khách hàng đáp ứng được một số điều kiện, tương tự như cho vay tái tài trợ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và các mục đích khác. Vì vậy nếu áp dụng, mỗi NH cần phải trao đổi lại điều kiện, quy trình vận hành vì việc tái tài trợ sẽ liên quan 3 bên gồm NH tài trợ, khách hàng và cả NH tái tài trợ…

Những hạn chế quy định cho vay liên quan đến BĐS là quan ngại lớn nhất trong Thông tư 06 khi thị trường đang rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Nên hoãn lại việc áp dụng những quy định có tác động kiểm soát đến dòng vốn vào BĐS, thay vào đó là những biện pháp, quy định hay chương trình có thể phục hồi thị trường này.

Ông Nguyễn Hữu Huân (Trưởng bộ môn Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.