'Sửa luật có khắc phục việc bỏ cọc như đấu giá đất Thủ Thiêm?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/08/2023 17:00 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề: việc sửa luật Đấu giá tài sản liệu có khắc phục được những hạn chế, bất cập trong thực tiễn như vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm (TP.HCM) trước đây.

Chiều 16.8, tiếp tục phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, luật Đấu giá tài sản hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

'Sửa luật có khắc phục việc bỏ cọc như đấu giá đất Thủ Thiêm?' - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình tại phiên họp

GIA HÂN

Một số quy định về trình tự, thủ tục đấu giá chưa chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Việc áp dụng trình tự, thủ tục đấu giá của luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù còn khó khăn.

Đáng lưu ý, ông Long đánh giá chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn bất cập; tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá ngày càng có xu hướng tinh vi, phức tạp, cơ chế kiểm soát còn bộc lộ một số vướng mắc…

Do vậy, theo ông Long, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định của luật Đấu giá tài sản.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho hay, dự thảo luật dự kiến sửa đổi bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản.

Cùng đó là các quy định về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp.

Dự thảo luật cũng sẽ sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch.

Ngoài ra, luật cũng bổ sung các quy định về trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Có khắc phục được vướng mắc, hạn chế trong đấu giá?

Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản.

'Sửa luật có khắc phục việc bỏ cọc như đấu giá đất Thủ Thiêm?' - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Theo ông Thanh, việc sửa đổi này nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề: các nội dung sửa đổi trong luật liệu đã khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đấu giá tài sản hiện nay hay không?

"Tôi còn nhớ đấu giá tài sản nóng lên từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm. Doanh nghiệp trúng đấu giá rồi nhưng sau đó bỏ cọc, không nộp tiền nhưng không làm được gì cả vì theo luật Đấu giá thì không sai gì cả. Sau này, Tân Hoàng Minh bị khởi tố là tội khác chứ không phải vì việc này", Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông Huệ cho hay, phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ trưởng Bộ TN-MT khi đó là ông Trần Hồng Hà đã "nóng" lên khi các đại biểu Quốc hội chất vấn về vụ bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm.

"Nghị quyết chất vấn sau đó của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi rõ là phải sửa đổi luật Đấu giá tài sản để khắc phục những bất cập như vậy. Thế thì sửa luật Đấu giá tài sản lần này có sửa được những hạn chế đó không? Tôi không thấy nói gì tới chuyện này cả", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn chứng trường hợp dự án nhà máy bột giấy Phương Nam tại tỉnh Long An, một trong 12 dự án yếu kém, thua lỗ ngành công thương, qua nhiều lần đấu giá tài sản nhưng không thành công do vấn đề định giá tài sản.

Tương tự, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, kỳ vọng của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhân dân, cán bộ đảng viên là sửa luật Đấu giá tài sản khắc phục được hạn chế hiện nay.

Ông cho rằng, các báo cáo về tồn tại, hạn chế của cơ quan soạn thảo "không gắn với thực tiễn". Theo Phó chủ tịch Quốc hội, cần phải đối chiếu những bất cập trong thực tiễn hiện nay với các quy định hiện tại để xem cái gì sơ hở, cái gì bất cập, cái gì thiếu, cái gì thừa để sửa luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.