Sự vô lý vẫn ngang nhiên tồn tại

14/07/2022 04:19 GMT+7

Đó là sự đắt đỏ của vàng miếng SJC. Ở thời điểm hiện tại, giá vàng miếng SJC đang cao hơn vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng, tương đương gần 40%.

Đáng nói là sự vô lý này đã kéo dài rất lâu, tính bằng năm chứ không còn mang tính thời điểm. Thế nhưng chưa có một động thái nào từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để trả vàng lại đúng giá trị của nó.

Sự vô lý này sở dĩ vẫn tồn tại bởi mục tiêu lớn nhất của Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế đã đạt. Vàng không còn được coi là phương tiện thanh toán trong các giao dịch như mua nhà, mua xe, mua các tài sản có giá trị như trước kia nữa. Hàng chục năm trở lại đây cũng không còn cảnh người dân xếp hàng mua vàng... Có lẽ vì thế mà không ai muốn “động” đến vàng, một hàng hóa đặc biệt từng gây nhiều sóng gió trên thị trường tài chính tiền tệ nói chung. Tuy nhiên, về mặt quản lý nhà nước thì để sự vô lý này tồn tại quá lâu sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Đầu tiên là chênh lệch quá lớn giữa vàng trong nước và thế giới sẽ dẫn tới vàng lậu. Để nhập lậu số vàng này, giới đầu cơ phải tích cực thu gom USD trên thị trường cho việc thanh toán, tạo sức ép lên tỷ giá, gây ảnh hưởng hoạt động xuất nhập khẩu trong nền kinh tế.

Thứ hai, ngược với dự đoán của nhiều người, dù vàng SJC tăng giá mạnh và neo ở mức đắt đỏ nhất thế giới nhưng rất ít người bán ra mà ngược lại, xu hướng nắm giữ vàng gia tăng vì kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng nữa. Nhưng giá quá đắt đỏ sẽ dẫn đến thị trường vàng ít giao dịch, thanh khoản kém, thậm chí đóng băng. Không chỉ vàng miếng, sức tiêu thụ các sản phẩm vàng bạc đá quý nói chung cũng bị suy giảm.

Thực tế cho thấy dù độc quyền sản xuất thương hiệu vàng miếng SJC nhưng doanh thu và lợi nhuận của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC hết sức èo uột so với các doanh nghiệp tư nhân trong ngành. Cũng có nghĩa là đóng góp cho nền kinh tế từ SJC nói riêng và ngành vàng bạc đá quý nói chung là chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của chính ngành này.

Chưa kể do giá vàng trong nước thoát ly giá thế giới, ngoài việc phải mua vàng đắt đỏ hơn, họ cũng đối mặt với rủi ro rất lớn nếu một ngày giá vàng trong nước lại cùng chiều, cùng hướng, tiệm cận giá thế giới. Thứ ba, giá vàng tăng mạnh, tâm lý đầu cơ - tích trữ vàng xuất hiện. Sẽ có một bộ phận người dân rút tiền từ tiết kiệm, chứng khoán mua vàng kỳ vọng kiếm lời. Một nguồn lực không nhỏ nằm trong két sắt của nhiều gia đình thì rất khó huy động để phục vụ tăng trưởng, phát triển kinh tế...

Chúng ta chống đầu cơ, chống vàng hóa là đúng nhưng dưới phương tiện cất giữ, đầu tư thì thiết nghĩ, nhà nước cần quan tâm đến lợi ích hợp pháp của người dân và xã hội. Hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có dự trữ vàng trong tài khoản. Vì thế, quản lý một mặt hàng đặc biệt như vàng, không chỉ là “đóng băng” thị trường này mà khi mục tiêu lớn nhất đã đạt được thì phải tính đến chuyện xây dựng hành lang pháp lý để phát triển thị trường vàng lành mạnh, bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.