Sự trỗi dậy của 'Bộ ngũ hùng cường' ở châu Á

13/05/2016 08:00 GMT+7

VN nằm trong nhóm 5 quốc gia được mệnh danh là 'Bộ ngũ hùng cường' ở châu Á (MITI-V) có khả năng thách thức vị thế ' công xưởng thế gi ới ' của Trung Quốc.

MITI-V (đọc âm tiếng Anh là Mighty Five - Bộ ngũ hùng cường) là chữ viết tắt từ tên tiếng Anh của Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và VN. Từ này xuất hiện trong một báo cáo nghiên cứu mới công bố do công ty tư vấn tài chính nổi tiếng Deloitte Touche Tohmatsu kết hợp với Hội đồng Cạnh tranh Mỹ thực hiện.
Theo báo cáo có tên Chỉ số cạnh tranh sản xuất toàn cầu 2016 (GMCI), 5 quốc gia trên dự kiến sẽ lọt vào top 15 của danh sách này trong thời gian từ nay đến năm 2020 và sẽ trở thành một “Trung Quốc mới”, xét trên các tiêu chí lao động giá rẻ, năng lực sản xuất, nhân khẩu học cũng như tăng trưởng kinh tế và thị trường.
Dự báo này dựa trên bản phân tích chuyên sâu từ cuộc khảo sát hơn 500 lãnh đạo cấp cao của các công ty sản xuất trên khắp thế giới. “Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và VN tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất toàn cầu đang tìm kiếm sự thay thế cho Trung Quốc, với lực lượng lao động có tay nghề sẵn và năng suất lao động ngày càng gia tăng, cũng như chi phí nhân công thấp hơn so với Trung Quốc”, ông Ng Jiak See, lãnh đạo về dịch vụ và sản phẩm công nghiệp của Công ty Deloitte Southeast Asia, nhận xét. Theo ông Ng, các lợi thế khác mà các nước nói trên có thể mang lại cho các nhà sản xuất toàn cầu là nhiều ưu đãi về thuế dưới hình thức miễn thuế trong một thời kỳ nhất định hoặc giảm thuế nhập khẩu và thuế đối với nguyên liệu thô dùng cho sản phẩm xuất khẩu...
Báo cáo cũng lưu ý đến việc VN là nước duy nhất trong MITI-V có chỉ số cạnh tranh gia tăng trong giai đoạn 2013 - 2016. “Với chi phí nhân công tương đối thấp, VN từ lâu đã được xem là một sự thay thế cho Trung Quốc xét về sản xuất giá rẻ. Ngoài ra, VN đã gia tăng năng suất chung trong 10 năm qua, tăng 49% trong giai đoạn này, nhanh hơn các nước như Thái Lan và Malaysia. Năng suất đó đã thúc đẩy các nhà sản xuất xây dựng các nhà máy trị giá cả tỉ USD tại nước này”, báo cáo viết.
Theo dự báo, VN sẽ tăng 6 bậc từ vị trí 18 hiện nay lên vị trí 12 vào năm 2020 trong danh sách 40 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng theo chỉ số GMCI. Tuy vậy, báo cáo lưu ý rằng mặc dù có sức hấp dẫn đối với các nhà sản xuất nhưng mỗi quốc gia trong “Bộ ngũ hùng cường” phải vượt qua nhiều thách thức khác nhau, đồng thời ưu tiên tập trung vào các thế mạnh đặc trưng để có thể tận dụng được cơ hội đầu tư sản xuất toàn cầu. “Thời điểm và mức độ gia tăng chi phí lao động của Trung Quốc sẽ tác động đến tốc độ tìm kiếm “giải pháp MITI-V” của các nhà sản xuất toàn cầu. Sự dịch chuyển này cũng phụ thuộc vào mức độ trau dồi năng lực và năng suất của lực lượng lao động, đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết, và ban hành các chính sách quản lý tích cực để hỗ trợ lĩnh vực sản xuất của MITI-V”, theo báo cáo.
Các nhà sản xuất Nhật để mắt đến VN
Một báo cáo mới của Công ty tư vấn Mizuho Research Institute cho biết có 43,8% các công ty sản xuất Nhật xem ASEAN là khu vực hàng đầu mà họ có kế hoạch đầu tư trong thời gian tới. Tỷ lệ này tăng 2,3% so với cuộc khảo sát được thực hiện vào năm ngoái. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp ASEAN đứng đầu bảng xếp hạng. Đặc biệt, khi được hỏi về các quốc gia cụ thể trong ASEAN mà họ sẽ chú trọng mở rộng sản xuất, có 53,5% trả lời là VN, tăng 4,9% so với năm ngoái. Sự gia tăng này được lý giải là xuất phát từ việc VN gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, mặc dù có 59,7% trả lời là Thái Lan, nhưng tỷ lệ của đất nước chùa tháp đã giảm 2,2% so với năm ngoái. Theo tờ Nikkei Asia Review ngày 12.5, cuộc khảo sát được Mizuho Research Institute thực hiện với 1.100 công ty sản xuất Nhật có số vốn 10 triệu yen (92.000 USD) trở lên. Đối với câu hỏi về quốc gia mà họ có kế hoạch mở rộng sản xuất trong số 12 nước ký TPP, có 12,8% chọn VN, 10,7% chọn Nhật và 4,9% chọn Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.