Sử thi bằng hội họa với 4.500 nhân vật

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
05/05/2021 06:30 GMT+7

Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng tác phẩm về Điện Biên Phủ với 4.500 nhân vật là một sử thi hội họa và càng đáng giá hơn khi do người trẻ vẽ.

Cuối cùng, tác phẩm mỹ thuật Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (TP.Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã hoàn thành và được hội đồng nghệ thuật thông qua ngày 4.5. Theo ông Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty Bảo tồn di sản văn hóa, ông và cộng sự đã phải chịu nhiều sức ép trong suốt 3 năm thực hiện tác phẩm.
Ông Mạc nhớ lại, khi bảo tàng được Thủ tưởng phê duyệt xây dựng, ý tưởng bức tranh hoành tráng về chiến dịch Điện Biên Phủ đã có rồi. Tỉnh Điện Biên cũng đã mời cả chuyên gia Nga sang để vẽ bức tranh này, nhưng không đi đến đâu. “Cũng đúng thôi, lịch sử của mình phải mình vẽ. Chúng tôi nhận việc với đủ áp lực. Có quá nhiều phim về Điện Biên Phủ, sân khấu cũng nhiều, văn học cũng có, nhân chứng còn sống. Áp lực với chúng tôi là làm sao để người xem thấy được đây chính là Điện Biên Phủ”, ông Mạc nói.
Ông Mạc đã chia bức tranh hoành tráng này ra thành từng trường đoạn. Mở màn là Toàn quân ra trận. Trường đoạn thứ hai, Khúc dạo đầu hùng tráng, nói về trận đánh mở màn ở đồi Him Lam. Trường đoạn ba, Cuộc đối đầu lịch sử, tái hiện trận đánh ở đồi A1. Trường đoạn bốn là Khải hoàn. Điện Biên Phủ vì thế là tác phẩm nghệ thuật đồng hiện, miêu tả toàn cảnh chiến trường Điện Biên tại nhiều thời điểm, từ cuối năm 1953 cho đến ngày 7.5.1954. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh, cuộc chiến tranh ở đây là chiến tranh nhân dân với hình ảnh toàn quân và dân”, ông Mạc nói.
Điện Biên Phủ khi hoàn thành có chiều dài 132 m, cao hơn 9 m cùng phần mái vòm. Tổng diện tích tác phẩm gồm 2.500 m2 tranh và 700 m2 sắp đặt. Tác phẩm được thực hiện với khoảng 30 người vẽ liên tục. Thêm vào đó là một số họa sĩ tham gia tùy từng thời điểm. Ông Mạc cho biết các họa sĩ thực hiện đều rất trẻ, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Trưởng nhóm họa sĩ, anh Nguyễn Văn Nghĩa là người thuộc thế hệ 8X.
Sử thi bằng hội họa với 4.500 nhân vật1

Những đoạn trích của Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ không phải dự án tranh hoành tráng đầu tiên của anh Nghĩa. Tuy nhiên, về quy mô, nó lớn gấp hàng chục lần những dự án anh từng làm. “Trước khi thể hiện chính thức, chúng tôi cũng đã 2 lần làm phác thảo. Phác thảo đầu tiên khổ nhỏ nhất cũng cao 1 m, dài 13 m. Phác thảo thứ hai khổ vừa cao 2,3 m và dài 31 m”, anh Nghĩa nhớ lại. Khi vẽ trên thực địa, các chi tiết cũng được bổ sung dựa trên phác thảo. Có những nhân vật cao tới 2 m.
Anh Nghĩa tâm đắc nhất phần Toàn quân ra trận, diện tích khoảng 500 m2 với khoảng hơn 1.000 nhân vật. Trong suốt thời gian vẽ, có nhiều khi công việc của các họa sĩ bị gián đoạn một cách bất ngờ. “Chúng tôi vẽ ở tầng 2 bảo tàng và bảo tàng vẫn có khách đến tham quan. Có lần, các bác cựu chiến binh đến, mặc quân phục, đeo huân chương. Các bác xem tranh rồi gọi nhau ra bảo, chỗ này chính là trận địa pháo của mình ngày xưa. Các bác gọi chúng tôi ra tâm sự, cảm ơn rồi khóc vì xem tranh nhớ lại ngày xưa”, anh Nghĩa chia sẻ.
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, đánh giá tác phẩm là câu trả lời thỏa đáng cho băn khoăn nhiều năm nay hội họa Việt Nam đã có tác phẩm xứng tầm với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hay chưa. Trong khi đó, ông Lương Xuân Đoàn nói: “Một tác phẩm sử thi giàu cảm xúc, lối vẽ cổ điển chuẩn chỉ, lại của các họa sĩ trẻ. Một kỳ tích”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.