'Sự thật mất lòng' về biểu tượng nổi tiếng ở Đại học Harvard

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
19/09/2021 15:00 GMT+7

Đại học Harvard (Mỹ) là một trong những trường đại học nổi tiếng hàng đầu thế giới . Tuy nhiên, bức tượng John Harvard - biểu tượng của trường này từ năm 1884, lại có một số điều chưa chuẩn xác với "sự thật mất lòng".

Harvard là trường đại học có nhiều khách du lịch tham quan nhất và một trong số địa điểm được khách tham quan dừng chân chụp hình chung là bức tượng John Harvard nổi tiếng. Tượng John Harvard là biểu tượng của đại học này từ năm 1884. Đây là công trình nhằm tôn vinh mục sư John Harvard (1607 - 1638), người đã tặng cho trường 400 tập sách và khoảng 780 bảng Anh (chính xác là 779 bảng Anh, 17 shilling và 2 pence -  theo kế toán của trường).

Cựu cầu thủ bóng rổ Tia Jackson chạm vào giày trái của bức tượng

Ảnh: news.harvard.edu

Tượng có kích cỡ 180 x 98 x 165 cm, phần chân đế 155 x 183 x 30 cm. Chân tượng bằng đá granite; phía bên phải người xem là con dấu của Emmanuel College thuộc Đại học Cambridge - ngôi trường cũ của John Harvard; trên đùi phải của tượng là quyển sách đang mở.
Bức tượng này tọa lạc tại Harvard Yard thuộc thành phố Cambridge, bang Massachusetts - một khu campus lâu đời nhất của Đại học Harvard. Khách tham quan thường chạm vào mũi giày trái của tượng vì tin rằng làm như thế có thể gặp được may mắn.

Sherman Hoar, người có khuôn mặt được mô phỏng cho tượng John Harvard

Ảnh: T.L
Nhà sử học Laurel Ulrich cho rằng bố cục chung của tượng John Harvard có thể được lấy cảm hứng từ bản in năm 1592 của Hà Lan về tác phẩm Clio của Hendrick Goltzius, mô tả Muse thần - nàng thơ của lịch sử Hy Lạp ngồi với một cái bảng trên đùi và hai cuốn sách dưới chân; riêng phần cổ áo, cúc áo, tua rua và ria mép của nhân vật này có thể được lấy từ bức chân dung của Thống đốc Thuộc địa Plymouth Edward Winslow và vài hình mẫu khác (theo Biography of a bronze. Harvard Gazette của Corydon Ireland, 2.10.2013).
Bức tượng này được mô tả trên con tem John Harvard năm 1986 của Bưu điện Mỹ. Xin lưu ý về ghi chú phía dưới bức tượng: "John Harvard • Founder • 1638" (John Harvard - Người sáng lập - 1638). Tuy nhiên bức tượng này lại có… 3 điều chưa chuẩn xác.

3 điều chưa chuẩn xác là gì?

Theo một số tài liệu và bài viết The 3 Lies of Harvard được đăng tải trên trang web của Harvard Summer School (tháng 7.2015) thì 3 điều chưa chuẩn xác về bức tượng John Harvard - tác phẩm của điêu khắc gia người Mỹ Daniel Chester French, do công ty Henry-Bonnard Brozen thực hiện, gồm:
Thứ nhất, khuôn mặt của tượng không phải của John Harvard. Do chế tác gần 250 năm sau khi John Harvard qua đời và không có bất kỳ hình ảnh nào để dựa vào nên điêu khắc gia French đành phải sử dụng người mẫu thay thế, với phần khuôn mặt đẹp trai của Sherman Hoar – một nam sinh viên của trường Harvard, còn phần thân thể thì mô phỏng từ một sinh viên nghèo tốt nghiệp Oxford - người đã đề nghị đóng giả để có tiền thù lao.
Thứ hai, John Harvard không phải là người sáng lập Đại học Harvard, bởi vì trường này được thành lập trước 2 năm so với việc đổi tên thành Harvard vào năm 1638. Bức tượng này chỉ là đại diện, lý tưởng hóa hình ảnh mục sư John Harvard, người đã dâng tặng tài sản cho trường lúc mới thành lập.
Thứ ba, ghi chú dưới bức tượng cho biết Đại học Harvard được thành lập vào năm 1638, song trên thực tế trường lại thành lập vào năm 1636.

Khách tham quan tượng John Harvard

Ảnh: www.bostonglobe.com

Dẫu như thế nào đi chăng nữa thì tượng John Harvard vẫn là biểu tượng nổi tiếng của Đại học Harvard. Tính đến nay trường này có 630 người nhận được học bổng đào tạo sau tiến sĩ (Rhodes Scholarship và Marshall Scholarship), 18 người đoạt huy chương Fields (giải toán học), 14 người đoạt giải Turing của Hiệp hội quốc tế về nghiên cứu, giáo dục ngành khoa học máy tính và tin học, 10 người đoạt giải Oscar (giải thưởng điện ảnh danh giá), 48 người đoạt Pulitzer Prize (giải báo chí) và 110 người đoạt huy chương Olympic… Đáng chú ý khi tính đến nay, trong số cựu sinh viên của trường có 8 tổng thống Mỹ, hơn 30 nguyên thủ, 188 tỉ phú còn sống và 161 người đoạt giải Nobel.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.