Sự sa cơ của vua Hàm Nghi: ‘Ta đã bị phản bội’.

02/10/2021 12:43 GMT+7

Từ năm 1887, lực lượng kháng chiến Cần vương gặp nhiều khó khăn do quân Pháp chặn các ngả đường liên lạc giữa vùng hạ nguồn và thượng nguồn sông Gianh. Vua Hàm Nghi cùng tùy tùng phải tìm đường ẩn náu để tránh những cuộc truy lùng gắt gao.

Hầu cận vua Hàm Nghi vào thời điểm này, ngoài người con trai của Phụ chánh Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Thiệp, còn có Trương Quang Ngọc, một người thiểu số ở địa phương rất giỏi tài bắn cung, được phong làm Lãnh binh, và Nguyễn Định Trình (tài liệu của Delvaux và Gosselin ghi là Nguyen Tinh Dinh), đi theo vua từ năm 1885. (Delvaux: Quelques précisions sur une période troublée de l’histoire d’Annam – BAVH No3/1941 – Gosselin: L’Empire d’Annam – Paris 1905).

Cuối mùa hè năm 1888, Trình đến đầu thú với Pháp tại đồn Đồng Cả và khai báo nhiều chi tiết quan trọng về vua Hàm Nghi. Theo y, Trương Quang Ngọc cũng đã rời bỏ nhà vua từ 6 tháng trước, ý cũng muốn đầu thú và có thể giao nộp nhà vua nếu được hứa ban thưởng.

Cựu hoàng Hàm Nghi lúc mới bị đày sang Alger

báo Journal des voyages

Nơi trú ngụ của vua Hàm Nghi ở cạnh bờ khe Tả Bảo, một phụ lưu của sông Gianh nằm trong tỉnh Quảng Bình. Ngôi nhà nằm giữa một khu vườn được ra công chăm sóc kỹ lưỡng, giữa nhà có trải một chiếc chiếu hoa. Đồ ăn thức uống của nhà vua do những người dân tộc Mường tại địa phương cung đốn, chủ yếu chỉ có gạo và muối.

Nhà vua ăn mặc rất nghèo nàn, chỉ có một bộ quần áo bằng vải nâu. Vua Hàm Nghi cùng các thuộc hạ thường bị bệnh sốt hành hạ, di chuyển thường phải nhờ những người Mường cõng đi.

Đầu tháng 9.1888, Đại úy Pháp Boulangier gửi cho Trương Quang Ngọc một lá thư kêu gọi y ra đầu thú nhưng không nhận được hồi âm. Tuy nhiên, sau lá thư thứ hai của Boulangier, Ngọc ra đầu thú với Trung úy Pháp Lagarrue.

Chiều ngày 1.11.1888 (Delvaux ghi là ngày 2.11), Trương Quang Ngọc, Nguyễn Định Trình dẫn theo khoảng 20 người dân địa phương trang bị giáo mác, cung tên, hướng về nơi ẩn lánh của vua Hàm Nghi. Chúng được lệnh của Pháp là phải bảo toàn mạng sống nhà vua, có thể sát hại bất cứ ai khác nếu họ chống cự.

10 giờ đêm, bọn chúng đến nơi, một ngôi nhà dựng bằng tre và gỗ, lợp tranh, giữa nhà là một chiếc chõng tre phủ chiếu hoa, nhà vua nằm ngủ trên đó. Nghe có tiếng động lạ, Thống chế Nguyễn Thùy và con trai xách gươm nhảy ra thì bị Trương Quang Ngọc dùng giáo đâm chết. Tôn Thất Thiệp cũng chịu chung số phận, dưới ngọn giáo của Cao Viết Lượng, một người Mường ở làng Thanh Cuộc.

Trước hình nguy cấp đó, vua Hàm Nghi biết mình bị phản bội nên cầm gươm chỉ vào Trương Quang Ngọc: “Hãy giết ta đi, còn hơn là mang tao nộp cho Pháp”. Ngay sau đó, ông bị một tên Mường từng là hầu cận ôm ngang thắt lưng, giật lấy gươm. Sau khi đèn đuốc được thắp lên, một người trong bọn Ngọc quỳ xuống đất đọc lá thư của Đại úy Boulangier mời nhà vua trở về Huế. Im lặng hồi lâu, vua Hàm Nghi thở dài và nói:” Ta đã bị phản bội. Ta phải tuân theo mệnh Trời, ta sẽ đi theo các ngươi”.

Sáng sớm ngày hôm sau, nhà vua được đưa về đồn Chà Mạc (có tài liệu ghi là Tha-Mạc), nơi đây đã có Đại úy Boulangier đợi sẵn. Trên đường đi, ngồi trên chiếc võng tồi tàn có người khiêng, ông không ngớt miệng lẩm bẩm:”ý Trời đã định!”.

Những ngày tháng bị lưu đày nhà vua tìm đến với hội họa

T.L

Tại đồn Chà Mạc, Boulangier bố trí đội quân danh dự bồng súng chào, kèn trỗi lên điệu quân nhạc. Nhà vua bước đi, không buồn quay đầu lại, ông lấy chéo khăn lau gương mặt đã đầm đìa nước mắt. Nước mắt của vì vua trẻ tuổi từng trải qua những năm tháng sống giữa rừng thiêng nước độc, nay bất lực trước cảnh nước mất nhà tan, đã gây một xúc động lớn cho những ai có mặt vào buổi sáng hôm đó.

Mọi người khá ngạc nhiên là gian khổ như vậy mà nhà vua vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đồng thời khăng khăng bảo rằng mình không phải là cựu hoàng Hàm Nghi.

Ngày 6.11, khi nhà vua sắp sửa rời Thanh Lạng, một giáo sĩ Việt Nam tên Trung ở Làng Truông đến dâng cho ông một chiếc kiệu khá đẹp, vây màn kín để tránh những con mắt tò mò của người đi đường, với hơn 10 giáo dân đi theo để khiêng kiệu. Vua Hàm Nghi hỏi tên ông giáo sĩ, sau đó đã nói: "Ngày xưa, ta cũng có học đôi chữ Hán, ta chỉ nhắc mình một chữ duy nhất: chữ Trung – Xin cảm ơn !”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.