Sự nghiệt ngã của thời gian

Cuối tuần qua, Hội đồng cố vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được thành lập quy tụ các chuyên gia hàng đầu.

Trong đó có GS-TS Trần Văn Thọ - tác giả cuốn sách Việt Nam từ năm 2011, vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian, do NXB Trí Thức ấn hành.
Lời mở đầu cuốn sách, ông viết: “Một cá nhân hay một dân tộc biết chạy đua với thời gian có thể làm nên những kỳ tích đổi đời, thay đổi diện mạo đất nước; ngược lại nếu không có ý chí tranh đua với thời gian, không có nỗ lực vươn lên thì sẽ bị lịch sử bỏ lại đàng sau”.
Sự nghiệt ngã của thời gian là những cơ hội đã bị bỏ qua không thương tiếc đối với những ai không nắm bắt được nó. Sự nghiệt ngã đó khi được nhìn lại có giúp tạo ra một phản tỉnh để tránh vết đổ cũ để vượt lên? Câu hỏi dành cho một cá thể công dân đã là khó, dành cho một nhà quản lý hay một cộng đồng lại càng bức bách hơn.
Hai phần quan trọng trong cuốn sách là: “Tầm nhìn thời đại và chiến lược phát triển”, “VN và thời đại Đông Á” đã đặt ra những vấn đề cốt lõi cho các chính sách kinh tế đất nước từ sau đổi mới.
Đổi mới là một cái mốc đã bị vượt qua. Giờ đây, chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề khác trên đường phát triển: Từ những chọn lựa cán bộ, vấn đề đặc quyền đặc lợi, sự thiếu mạnh dạn trong cải cách, vấn đề đổi mới cơ chế... cho đến công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu lao động.
Có những vấn đề liên quan đến mối tương tác của VN trong bối cảnh Đông Á, APEC, WTO... Theo đó, cơ cấu xuất khẩu bị cố định hóa trước trào lưu mậu dịch tự do hoặc khái niệm “nước có thu nhập trung bình” là những cái bẫy mà VN đang đối diện... GS Thọ đã nêu ra những vấn đề mang tính cảnh báo đó dựa trên kinh nghiệm của nhiều nền kinh tế mà ông từng nghiên cứu, đã tạo ra sức thuyết phục lớn.
Đọc lại cuốn sách của GS Trần Văn Thọ, trong phần về giáo dục, tôi liên tưởng đến phát biểu của một trí thức Quảng Nam khác là GS Hoàng Tụy. Cách đây mấy năm, tại lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh, ông Hoàng Tụy nhấn mạnh: “Chừng nào giáo dục còn yếu kém tụt hậu như hiện nay thì dẫu có tăng trưởng kinh tế giữ được tốc độ 7 - 8%, thậm chí 10%/năm chăng nữa, đất nước cũng vẫn mãi lẹt đẹt sau thiên hạ. Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, muốn chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu mà để giáo dục yếu kém thì chỉ là nói suông...”.
Suy cho cùng, do lĩnh vực nghiên cứu và cách nói có khác nhau, nhưng cả hai vị giáo sư người Quảng đã gặp nhau trong quan điểm của mình là lấy giáo dục làm gốc. “Sự nghiệt ngã của thời gian”, vì vậy, cũng là một cảnh báo mang tính thời sự khá cấp bách cho mọi người.
Từng nhiều lần nghe những lời tâm can của một trí thức đầy nhiệt tâm của GS Thọ, tôi càng vui mừng khi ông lại được chính phủ mời vào Ban Tư vấn một lần nữa sau thời kỳ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Mong rằng những tâm huyết của ông trong “Sự nghiệt ngã của thời gian” sẽ được lắng nghe nhiều hơn trên thực tế!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.