Sử ký bằng tranh từ miền Nam

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/04/2022 06:37 GMT+7

Trưng bày Ký họa kháng chiến miền Nam được ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, gọi là 'sử ký bằng tranh từ miền Nam'.

Miền Nam trong tranh

Bé Súng là tên gọi của ông Võ Văn Bé, một chiến sĩ biệt động Sài Gòn 1968. Bé Súng trong ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông là một thanh niên mũi cao, tóc dày, đang ngậm điếu thuốc lá. Giờ đây, bức ký họa từ năm 1968 ấy có mặt tại trưng bày Ký họa kháng chiến miền Nam, được tổ chức từ nay đến ngày 8.5 tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. “Những bức ký họa được sáng tác trực tiếp tại chiến trường. Trong đó, có những họa sĩ và nhân vật trong ký họa đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Đó là hoạ sĩ - liệt sĩ Huỳnh Quốc Trọng, liệt sĩ Võ Thị Tuyết, Phan Văn Sáu, Nguyễn Thị Hòa, Võ Văn Bé và Lê Văn Công…”, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, nói.

Ký họa Đọc thơ chúc Tết Bác Hồ của họa sĩ Nguyễn Tấn Lực

Ký họa kháng chiến miền Nam trưng bày 70 ký họa, đều thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, được sáng tác trực tiếp trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn 1954 - 1975. Ở đó, các họa sĩ đã sử dụng chất liệu màu nước, bột màu, bút sắt, chì… để ghi lại “trang nhật ký chiến trường” về con người, cuộc sống, vùng đất và cuộc chiến tranh cam go của quân và dân Nam bộ.

Vì thế, trong triển lãm có thể thấy những sinh hoạt thời kỳ đó như đọc thơ chúc tết của Bác Hồ, cắt tóc trên đường hành quân vào Nam, đón tết trong hầm pháo. Trưng bày cũng có những ký họa chân dung chiến sĩ, chỉ huy như bà Nguyễn Thị Định, chị Quyên, ông Võ Văn Bé… “Đến nay, ký họa kháng chiến không chỉ là kho tư liệu quý giá mà còn được đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao”, ông Nguyễn Anh Minh nói.

Có 17 tác giả được trưng bày tác phẩm, gồm: Thái Hà, Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Phạm Quyết Chiến, Nguyễn Tấn Lực, Lê Lam, Lê Hồng Hải, Hoàng Anh (Lê Hạt), Lê Văn Chương, Vũ Thanh Hoa, Huỳnh Quốc Trọng, Trịnh Dũng, Hà Quang Bửu, Nhất Tâm, Trương Hồng Thanh, Nguyên Đào, Lê Dân.

Ký họa Bà Nguyễn Thị Định của họa sĩ Lê Lam

Ông Lương Xuân Đoàn cho biết ký họa kháng chiến hiện còn số lượng nhiều. Ký họa kháng chiến miền Nam cũng không quá khó tìm kiếm, và được lưu tại Bảo tàng Mỹ thuật VN tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật VN tại TP.HCM, Bảo tàng Lịch sử quân sự... Tuy nhiên, các tác phẩm cũng đều nhuốm màu thời gian. Nhiều người trong số tác giả thuộc phòng Hội họa Giải phóng miền Nam trực thuộc Ban Tuyên huấn T.Ư Cục, được thành lập năm 1962. Trong đó, họa sĩ Cổ Tấn Long Châu được giao chức vụ trưởng phòng. Họ vẽ ký họa kháng chiến, vẽ và in tranh cổ động, trình bày minh họa báo chí…

Vẽ hơi thở cuộc chiến

Theo Bảo tàng Mỹ thuật, ký họa kháng chiến có những đặc thù riêng. Chẳng hạn, do thiếu thốn về vật chất các họa sĩ phải dùng những chất liệu rẻ và gọn nhẹ, đôi khi còn tận dụng những vật dụng có sẵn trong thiên nhiên hoặc vật dụng chiến đấu như vỏ bom… Do chiến tranh ác liệt, từng phút chống chọi hiểm nguy nên các bức vẽ luôn phải thực hiện nhanh chóng, khẩn trương. Cũng nhờ đó, nhiều tác phẩm có sự phóng khoáng và xuất thần. Thông thường, ký họa chỉ dừng lại ở dạng tư liệu để xây dựng tác phẩm. Tuy nhiên, ký họa kháng chiến do nhu cầu kịp thời động viên, phục vụ quân dân nên vẫn hoàn chỉnh như những tác phẩm nghệ thuật thực thụ.

Ký họa Ngoan cường trong chiến đấu của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu

Bảo tàng Mỹ thuật cung cấp

Chính vì thế, những tác phẩm ký họa miền Nam trước tới nay vẫn được đánh giá tốt về nghệ thuật. Nhiều tác giả cũng đã nhận Giải thưởng Nhà nước về mỹ thuật như Cổ Tấn Long Châu, Lê Lam, Thái Hà… Đặc biệt, họa sĩ Cổ Tấn Long Châu còn nhận Giải thưởng Nhà nước cho bộ tranh ký họa của mình.

Cố họa sĩ Trần Khánh Chương, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, sinh thời vẫn nhắc tới việc năm 1966, đợt tranh ký họa đầu tiên từ chiến trường miền Nam đã được gửi ra để trưng bày tại hội trường Hội Văn nghệ VN, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. “Ngày 24.10, Bác Hồ đã đến xem triển lãm và nhận xét chỉ có ở trong cuộc, mới có được những bức tranh như thế”, sinh thời ông Chương cho biết.

Hồi ức về Phòng Hội họa Giải Phóng

Ảnh

Họa sĩ Hồ Hưng bên tác phẩm Thương hồ nghỉ Tết được trưng bày tại triển lãm

Quốc Đạt

Ngày 24.4, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Phòng Hội họa Giải Phóng, tiền thân của Hội Mỹ thuật TP.HCM (1962 - 2022) và Hội Mỹ thuật TP.HCM đã khai mạc Triển lãm tác phẩm màu nước và trao giải thưởng Mỹ thuật 2022.

Sự kiện có sự tham gia của ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, bác sĩ Lê Thị Thu - vợ họa sĩ Huỳnh Phương Đông, họa sĩ Trang Phượng, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình...

Họa sĩ Trang Phượng, một trong ba họa sĩ (cùng với Cổ Tấn Long Châu, Phạm Minh Sáu) đã có công thành lập Phòng Hội họa Giải Phóng, tiền thân của Hội Mỹ thuật TP.HCM, đã chia sẻ những hồi ức của ông về những ngày đầu thành lập và công tác tại Phòng Hội họa Giải Phóng.

Triển lãm các tác phẩm màu nước sẽ diễn ra đến hết ngày 3.5.2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM ( 97A Phó Đức Chính, Q.1).

Quốc Đạt


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.