Sự kiện văn hóa tuần qua: Triển lãm diễn ca về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

26/12/2021 07:59 GMT+7

Ở tuổi 82, nữ nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung công bố diễn ca về Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tại triển lãm thơ diễn ca lịch sử Theo dấu chân Đại tướng (khai mạc ngày 21.12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội) nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, có nhiều câu chuyện được bà Mỹ Dung kể lại trên 92 tấm pano.

Những dòng diễn ca ấy kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể từ khi ông được Bác Hồ giao cho toàn quyền ở Điện Biên Phủ. Cũng có câu chuyện khác về những người anh hùng đã chiến đấu và hy sinh ở Điện Biên. Tên của họ gắn liền với chiến thắng chấn động địa cầu này. Đó là những Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn… Triển lãm cũng có cả những hình ảnh khoảnh khắc đời thường của vị Tổng tư lệnh.

Nữ nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

T.L

Toàn bộ phần diễn ca này được bà Nguyễn Thị Mỹ Dung sáng tác từ năm 2014 sau chuyến đi Điện Biên Phủ theo những dấu mốc lịch sử mà Đại tướng đã làm nên. Bà cũng đã đọc hết Tổng tập Võ Nguyên Giáp trước khi bắt đầu việc sáng tác 110 bài thơ về ông.

Tối 21.12, tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình), T.Ư Đoàn chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và tỉnh Quảng Bình tổ chức chương trình tổng kết, trao giải cuộc thi tìm hiểu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chủ đề Võ Nguyên Giáp - Đại tướng của nhân dân, nhân dịp lễ kỷ niệm cấp nhà nước 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8.1911 - 25.8.2021).

Ban tổ chức trao 3 giải A cho nhóm tác giả tuổi trẻ Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng), nhóm tác giả tuổi trẻ tỉnh Quảng Bình, nhóm tác giả tuổi trẻ tỉnh Cao Bằng. Ngoài ra, có 5 giải B, 10 giải C, 4 giải phụ và 3 giải tập thể.

Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng cùng góp tiền trùng tu Hải Vân quan

Sáng ngày 19.12, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Sở VH-TT TP.Đà Nẵng tổ chức lễ khởi công dự án Bảo tồn tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan. Dự án có tổng kinh phí hơn 42 tỉ đồng, do hai địa phương cùng góp tiền trùng tu (mỗi bên 50%), dự kiến hoàn thành sau 2 năm.

Di tích Hải Vân quan tại đỉnh đèo Hải Vân, giữa thị trấn Lăng Cô (H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) và P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) với quy mô công trình trên diện tích khoảng 6.500m2.

Di tích Hải Vân quan là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế trong những năm qua, dù chưa được trùng tu tôn tạo

BÙI NGỌC LONG

Sau khi khởi công, dự án sẽ tiến hành tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đến nền gốc tích thời Nguyễn; tu bổ Hải Vân quan, cửa Thiên hạ đệ nhất hùng quan theo các dấu tích nguyên gốc. Đồng thời, phục hồi, tôn tạo toàn bộ các hạng mục công trình theo giá trị nguyên gốc.

Di tích Hải Vân quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP.Đà Nẵng ngày nay (xưa là ranh giới giữa phủ Thừa Thiên và Quảng Nam). Di tích Hải Vân quan được Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích quốc gia tại Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14.4.2017, thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô (H.Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) và P.Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng). Vì vậy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND TP.Đà Nẵng cùng trách nhiệm quản lý bảo vệ di tích này, thống nhất giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp Sở VH-TT TP.Đà Nẵng tổ chức triển khai thực hiện dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích.

Tiếc thương NSƯT Thanh Kim Huệ

NSƯT Thanh Kim Huệ đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 23.12.2021 mang theo bao nỗi tiếc thương của người mộ điệu. Một nghệ sĩ thuộc “thế hệ vàng” với nhiều vai diễn kinh điển mà có lẽ không ai có thể vượt qua.

NSƯT Thanh Kim Huệ cùng thời với các nghệ sĩ: Bạch Tuyết, Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thủy, Thanh Sang, Thanh Tuấn, Mỹ Châu, Ngọc Giàu… mà báo chí và khán giả mệnh danh là “thế hệ vàng” của cải lương, dù bà là người trẻ nhất trong số đó.

Thanh Kim Huệ là một trong những nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn của Việt Nam

CHỤP MÀN HÌNH

Nhắc đến bà là nhớ ngay tiểu thư Thủy Cúc (Đường gươm Nguyên Bá), Lan (Lan và Điệp), Thị Hến (Ngao Sò Ốc Hến), Ai Thi Lệ (Hai chiều ly biệt), Tiêu Kim Yến (Người tình trên chiến trận)… Đặc biệt, những bài vọng cổ với giọng ca ngọt lịm của bà đã trở thành những tác phẩm tuyệt đẹp, như Đám cưới trên đường quê, Rước tình về với quê hương, Cô gái tưới đậu, Dệt chặng đường xuân, Tiếng chày trên sóc Bombo, Chợ Mới…

NSƯT Thanh Kim Huệ sinh năm 1955, 13 tuổi đã bước lên sân khấu, 16 tuổi gia nhập đại bang Kim Chung, rồi nổi lên như một ngôi sao bên cạnh những ngôi sao như Mỹ Châu, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Tuấn, Minh Phụng, Thanh Sang… Bà mất tại TP.HCM do bệnh ung thư, thọ 66 tuổi.

Bố già, Hồ sơ cá sấu đoạt Cánh diều vàng

Chiều 22.12, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức lễ trao giải thưởng Cánh diều 2020. Bộ phim Bố già do Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn; bộ phim truyền hình Hồ sơ cá sấu do NSƯT Mai Hiền đạo diễn đã nhận giải thưởng Cánh diều vàng lần lượt ở hạng mục phim truyện điện ảnh và phim truyện truyền hình.

Lễ trao giải diễn ra tại một khách sạn ở Hà Nội và rất ít giấy mời tham dự được gửi tới cơ quan truyền thông.

Cảnh trong phim Bố già

ĐPCC

Ở hạng mục phim truyện điện ảnh, bộ phim Gái già lắm chiêu 5- Những cuộc đời vương giả của cặp đạo diễn Bảo Nhân-Namcito và phim Trạng Tí phiêu lưu ký của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhận giải Cánh diều bạc. Giải Nam diễn viên chính xuất sắc được trao cho Tuấn Trần trong phim Bố già, giải Nữ diễn viên chính xuất sắc được trao cho Kaity Nguyễn trong phim Gái già lắm chiêu 5 - Những cuộc đời vương giả; giải Nam diễn viên phụ xuất sắc thuộc về Lê Khả Sinh (phim Con đường có mặt trời); giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc được trao cho Karen Nguyễn (phim Người cần quên phải nhớ).

Ở hạng mục phim truyền hình: Mạnh Trường (phim Hồ sơ cá sấu) - Nam diễn viên chính xuất sắc; Lương Thu Trang (phim Hướng dương ngược nắng) - Nữ diễn viên chính xuất sắc; Thanh Sơn (phim Tình yêu và tham vọng) - Nam diễn viên phụ xuất sắc; Tuyết Hương (phim Cát đỏ) - Nữ diễn viên phụ xuất sắc.

Phim Một cõi đi về (đạo diễn: Trần Thị Hà Trang) - Cánh diều vàng hạng mục Phim ngắn. Phim Tắc mạch xạ trị (đạo diễn Hà Xuân Trường) - Cánh diều vàng hạng mục Phim khoa học. Phim Phạm Ngọc Thạch - người thầy thuốc trọng nghĩa thương dân (đạo diễn - NSƯT Hoàng Dũng) - Cánh diều vàng hạng mục Phim tài liệu. Phim Truyền thuyết Gươm thần của đạo diễn (đạo diễn NSƯT Phùng Văn Hà) - Cánh diều vàng hạng mục phim Hoạt hình.

Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương của “còn gặp nhau thì hãy cứ vui” qua đời

“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/Lợi danh như bóng chim chìm nổi/Chỉ có tình thương để lại đời…”, tác giả của những câu thơ tài hoa ấy là nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương vừa qua đời.

Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương trút hơi thở cuối cùng vào 4 giờ sáng ngày 24.12.2021 đã làm nhiều người bất ngờ và khóc hết nước mắt, dù bà lâm trọng bệnh tuổi già cũng khá lâu.

Nữ thi sĩ Hỷ Khương từng sinh hoạt trong Tao đàn Bạch Nga và Tao đàn Quỳnh Dao nổi tiếng trước đây

FBNV

Nhà thơ tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, sinh năm 1935 (trên giấy tờ khai năm 1937) tại Vỹ Dạ (Huế). Từ 1964 đến nay, bà đã xuất bản nhiều tập thơ Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001), Thơ tình và tình thơ (2006), Thơ dâng Cha Mẹ (2007),... và tập văn xuôi Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Gia thị (1996, tái bản bổ sung 2002). Nhà thơ Hỷ Khương từng sinh hoạt trong Tao đàn Bạch Nga và Tao đàn Quỳnh Dao, là 2 tao đàn nổi tiếng trước đây.

Bài thơ Còn gặp nhau của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương ra đời vào năm 1999, lưu truyền rộng rãi khắp nơi nhưng lâu nay cứ tưởng của dân gian nên thường để khuyết danh tên tác giả, ít ai biết đến nữ thi sĩ đã làm nên những câu thơ tài hoa: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/Lợi danh như bóng chim chìm nổi/Chỉ có tình thương để lại đời… lại là Tôn Nữ Hỷ Khương.

Thanh Hằng diễn mở màn Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2021

Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam mùa 12 chính thức khai mạc vào tối 21.12 (bế mạc vào đêm 23.12) tại TP.HCM.

Nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn giữ vai trò mở màn với bộ sưu tập Chạm với show diễn gồm 2 màn. Thanh Hằng là người mẫu mở đầu show diễn. Cô diện trang phục ton-sur-ton, lấy sắc trắng làm chủ đạo.

Thanh Hằng là người mẫu mở đầu show diễn khai mạc Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2021

BTC

Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2021 có sự góp mặt của 13 nhà thiết kế/thương hiệu thời trang đình đám trong nước và quốc tế như NTK Hoàng Hải, NTK Adrian Anh Tuấn, NTK Đặng Trọng Minh Châu, thương hiệu Tiny Ink by Hoàng Quyên, thương hiệu Devon London by Devon Nguyễn…

Trở lại với chủ đề “Shining Life" (tạm dịch: Thắp sáng cuộc sống), Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam 2021 đánh dấu cột mốc mới, đón chào "bình thường mới" của làng thời trang Việt Nam sau gần một năm yên ắng vì đại dịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.