Sự kiện văn hóa tuần qua: Khai mạc Tuần lễ Sách của người làm báo

18/06/2023 07:28 GMT+7

Sáng 17.6, Hội Nhà báo VN, Hội Xuất bản VN, Sở TT-TT TP.HCM, Hội Nhà báo TP.HCM và Báo Thanh Niên đã tưng bừng tổ chức lễ khai mạc Tuần lễ Sách của người làm báo (diễn ra từ ngày 17 - 22.6) tại Đường sách TP. HCM với sự tham dự của đông đảo bạn đọc.

Buổi lễ khai mạc Tuần lễ Sách của người làm báo vinh dự đón tiếp ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Lãnh đạo Sở TT-TT TP.HCM có ông Lâm Đình Thắng - thành ủy viên, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM; đồng Trưởng ban tổ chức: nhà báo Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN, nhà báo Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, nhà báo Lý Việt Trung - Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Ủy viên T.Ư Hội Nhà báo VN, Tổng biên tập Báo Thanh Niên.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Khai mạc Tuần lễ Sách của người làm báo - Ảnh 1.

Ông Trần Trọng Dũng - Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN phát biểu khai mạc sự kiện sáng 17.6

THẾ SANG

Bên cạnh ban tổ chức là sự góp mặt của nhiều nhà báo đang công tác ở TP.HCM, các tác giả cùng rất nhiều sinh viên, giảng viên báo chí…

Có tất cả 281 tựa sách của các tác giả là các nhà báo đang công tác tại các báo như Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên, Phụ nữ TP.HCM, Công an TP.HCM... được trưng bày nhân sự kiện lần này. Tác phẩm của các nhà báo được trưng bày ở các kệ sách dọc theo Đường sách để độc giả tiện theo dõi trong suốt quá trình diễn ra tuần lễ sách cũng như trong buổi lễ khai mạc. Theo nhận định của ông Trần Trọng Dũng, Tuần lễ Sách của người làm báo là dịp để các nhà báo lão thành gặp gỡ với các thế hệ sau, cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm sáng tác, viết sách...

Chiều ngày 17.6, nhà báo Hoàng Hải Vân có buổi giao lưu Ông tướng tình báo bí ẩn và những điệp vụ siêu hạng - Người thầy siêu hạng của những điệp viên, giới thiệu về quyển sách cùng tên. Đây sẽ là một trong những buổi giao lưu đầu tiên mở màn cho hàng loạt giao lưu sau đó trong Tuần lễ Sách của người làm báo cho đến hết ngày 22.6. 

Khởi động Tuần lễ sách của người làm báo: Làn gió mới tại đường sách thành phố

Hoàng thành Thăng Long bán vé tham quan trực tuyến

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: từ 15.6, hệ thống đặt vé trực tuyến tham quan khu di sản UNESCO Hoàng thành Thăng Long bắt đầu hoạt động.

Theo đó, du khách có thể mua vé trực tuyến thông qua các thiết bị thông minh tại địa chỉ http://vedientu.hoangthanhthanglong.com/vi/node/add/book-ticket. Sau khi mua vé từ hệ thống, du khách sẽ nhận thông tin vé qua email đăng ký. Đến cổng soát vé tại khu di sản, du khách chỉ cần quét mã QR để đi qua và bắt đầu hành trình trở về quá khứ đầy thú vị.

Hệ thống đặt vé trực tuyến hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thuận tiện cho khách tham quan, đặc biệt vào những dịp cao điểm trong năm.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Hoàng thành Thăng Long bán vé tham quan trực tuyến - Ảnh 1.

Bảo vật quốc gia Đầu rồng ở Hoàng thành Thăng Long

CỤC DI SẢN

Cũng trong dịp khai trương vé điện tử, từ nay đến 31.8, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có nhiều ưu đãi cho mua vé trực tuyến như: giảm 10% khi mua vé tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long; giảm 10% khi thuê trang phục, miễn phí chụp ảnh tại phim trường ảo; giảm đến 20% đồ uống tại thư viện cà phê sách tại Hoàng thành Thăng Long …

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích phản ánh tiến trình lịch sử đất nước từ thời kỳ phong kiến: Lý, Trần, Lê, Mạc… đến thời đại Hồ Chí Minh. Năm 2010, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Xây dựng và phát triển văn hóa Công an nhân dân liêm chính, mẫu mực

Thiết thực kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa VN (1943 - 2023), ngày 12.6, Đảng ủy Công an T.Ư, Tỉnh ủy Nam Định và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Phát huy giá trị Đề cương văn hóa VN trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại".

Chỉ đạo hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng, GS-TS Tô Lâm, Bí thư Đảng ủy Công an T.Ư, Bộ trưởng Bộ Công an; GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Hoàng thành Thăng Long bán vé tham quan trực tuyến - Ảnh 2.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu kết luận hội thảo

TTXVN

Tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Với lực lượng Công an nhân dân, những giá trị văn hóa tỏa ra từ đề cương góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, ý chí quyết tâm sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Những giá trị văn hóa truyền thống còn củng cố, thắt chặt mối quan hệ bền chặt giữa người chiến sĩ công an với nhân dân, đất nước.

Phát biểu tổng kết hội thảo, đại tướng Tô Lâm khẳng định: "Đề cương về văn hóa VN" có giá trị và ý nghĩa to lớn đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa Công an nhân dân và xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Do vậy, trong thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân cần tiếp tục thực hiện tốt việc quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa để xây dựng và phát triển văn hóa Công an nhân dân liêm chính, mẫu mực, vì nhân dân phục vụ...

Trên cơ sở đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các tổ chức Đảng trong Công an nhân dân, xây dựng Đảng bộ Công an T.Ư thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ; là đảng bộ kiểu mẫu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực lãnh đạo, để công an thực sự là lực lượng tin cậy, chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân, của cả hệ thống chính trị và lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới.

Cán bộ, chiến sĩ, đảng viên Công an nhân dân phải thực sự mẫu mực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thường xuyên tự soi, tự sửa, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác công an, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trong Công an nhân dân cần nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, văn nghệ đối với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ…

Cuộc hội ngộ bất ngờ của các danh họa Việt Nam ở Quang San Art Museum

Từ ngày 13.6, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San - Quang San Art Museum (189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TP.HCM) mở cửa chào đón công chúng đến thưởng lãm hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam.

Bảo tàng Nghệ thuật Quang San là bảo tàng tư nhân được thành lập theo quyết định số 46/QĐ-SVHTT ngày 7.2.2023 của Sở VH-TT TP.HCM.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Hoàng thành Thăng Long bán vé tham quan trực tuyến - Ảnh 3.

Bảo tàng Nghệ thuật Quang San - Quang San Art Museum mở cửa chào đón công chúng đến thưởng lãm từ ngày 13.6

NHÂN LÊ

Tên của bảo tàng bắt nguồn từ việc ghép tên người sáng lập là ông Nguyễn Thiều Quang và tên người mẹ của ông là bà Nguyễn Thị San để ra đời "Quang San", hay còn có nghĩa là "núi sáng" từ tiếng Hán.

Nằm trong khuôn viên rộng 2.000 m2 nhìn ra dòng sông Sài Gòn, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San là địa điểm vàng cũng như một điểm tham quan mới và hấp dẫn, không chỉ với công chúng trong nước mà cả nước ngoài, đặc biệt là những ai tìm kiếm những cuộc gặp gỡ ý nghĩa với lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc và thiên nhiên Việt Nam.

Một số tác phẩm tiêu biểu trong bộ sưu tập của bảo tàng gồm có tranh của từng thời kỳ, ví dụ bắt đầu từ các bộ tứ kiệt hội họa nổi danh ở Việt Nam như; Thứ - Phổ - Lựu – Đàm (Mai Trung Thứ - Lê Phổ - Lê Thị Lựu – Vũ Cao Đàm), Trí - Cẩn – Vân – Lân (Nguyễn Gia Trí - Trần Văn Cẩn - Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân) hay Nghiêm - Liên - Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái).

Bảo tàng cũng trưng bày tác phẩm của bộ tứ Nhân - Hòa - Hậu - Kiệm (Lưu Công Nhân - Lê Huy Hòa - Trần Lưu Hậu - Trọng Kiệm) thuộc mỹ thuật kháng chiến và những họa sĩ tiêu biểu cùng thời kỳ chiến tranh như Nguyễn Hiêm, Huỳnh Phương Đông, Mai Long, Nguyễn Thụ.

Ngoài ra, đại diện cho mỹ thuật Huế như Bửu Chỉ, Đinh Cường, Dương Đình Sang, Hoàng Đăng Nhuận, những thành viên nhóm "Gang of Five" như Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, các danh họa miền Nam như Nguyễn Trung, Đỗ Quang Em, Nguyễn Phước và nhiều họa sĩ khác đại diện cho nghệ thuật cả nước cũng có tranh hiện nằm trong bộ sưu tập đang được trưng bày ở bảo tàng.

Khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023

Tối 15.6, tại quảng trường 16 Tháng 4 (TP.Phan Rang - Tháp Chàm), tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.

Đến dự và chia vui cùng nhân dân tỉnh Ninh Thuận có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ ngành T.Ư; nhiều vị khách quý quốc tế; đại diện nhiều tỉnh, thành, cùng hàng chục ngàn người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Hoàng thành Thăng Long bán vé tham quan trực tuyến - Ảnh 4.

Khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023

THIỆN NHÂN

Phát biểu tại đêm khai mạc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ niềm vui và niềm tự hào trong sự kiện đón Bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp" và khai mạc Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023.

Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2014 và trở thành lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Thuận, được tổ chức 2 năm một lần nhằm mục đích tôn vinh người trồng nho và giá trị cây nho, sản phẩm từ nho; đồng thời cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Ninh Thuận, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với văn hóa, du lịch, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào Ninh Thuận.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.