Sự kiện văn hóa tuần qua: Homestay trái phép tràn ngập vùng lõi di sản Tràng An

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
08/05/2022 07:00 GMT+7

Trong lòng di sản Tràng An (Ninh Bình) tồn tại hàng chục homestay xây dựng trái phép và hoạt động lưu trú bất hợp pháp.

Kể từ khi Tràng An được công nhận là di sản thế giới năm 2014, ngành du lịch Ninh Bình phát triển vượt bậc, nhờ lượng khách đổ về Tràng An ngày một đông. Tuy nhiên, cũng không ít lần di sản Tràng An bị xâm hại, như vụ xâm hại tại khu vực núi Cái Hạ, Thung Nham... Hiện nay, nhức nhối và còn tồn tại chưa thể xử lý được là hàng loạt homestay do người dân tự phát xây dựng trái phép ngay trong vùng lõi, vùng bảo vệ nghiêm ngặt của di sản.

Công trình xây dựng trái phép trong di sản Tràng An ở thôn Khê Thượng, xã Ninh Xuân, H.Hoa Lư, Ninh Bình

MINH HẢI

Xã Ninh Xuân, Ninh Thắng, Ninh Hải, Trường Yên... (H.Hoa Lư) là nơi nhiều công trình trái phép mọc lên trong vùng lõi di sản Tràng An. Tại khu vực chân núi thuộc thôn Khê Thượng (xã Ninh Xuân), từ năm 2015 - 2021, hộ gia đình ông Lưu Đình Quế đã tự ý lấn đất nông nghiệp xây dựng nhiều hạng mục để kinh doanh du lịch. Đến nay, ông Quế đã hoàn thành gần 10 chòi dựng bằng gỗ, lợp mái bằng ngói đỏ, mỗi chòi rộng chừng 10 m2 trải dọc theo chân núi. Ông Quế còn ngang nhiên xây dựng một tòa nhà cao 3 tầng sừng sững ở chân núi.

Tại thôn Trường An (xã Trường Yên), một hộ gia đình cũng xây dựng cơ sở kinh doanh du lịch dạng homestay với nhiều phòng nghỉ và các công trình phụ trợ. Công trình nằm cạnh sông Sào Khê, mới được hoàn thành chỉ khoảng 2 năm qua. Hiện tại, trên địa bàn xã Trường Yên có hơn 10 homestay của người dân tự phát xây dựng và kinh doanh du lịch không đúng quy định.

Các công trình xây dựng trái phép hầu như đã bị chính quyền, đơn vị chức năng tỉnh Ninh Bình kiểm tra, phát hiện, thậm chí lập biên bản vi phạm hàng chục lần, nhưng vẫn được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chỉ tính riêng công trình vi phạm của gia đình ông Lưu Đình Quế, chính quyền địa phương và Ban Quản lý quần thể danh thắng Tràng An ít nhất đã 20 lần kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu dừng các hoạt động xây dựng nhưng không làm gì được. UBND H.Hoa Lư cho biết toàn huyện này hiện nay đã có gần 30 homestay xây dựng hoàn toàn trái phép trong vùng lõi của di sản Tràng An. Địa phương đã lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu dừng xây dựng, nhưng dường như không đủ sức răn đe.

Xác minh cuộc thi người đẹp tổ chức “chui” ở Hạ Long

Ngày 7.5, thông tin từ Sở VH-TT Quảng Ninh cho biết, đơn vị này vừa mời Công ty Cổ phần Truyền thông và Giải trí MC Media đến làm việc để làm rõ việc đơn vị này tổ chức chương trình Miss Yoga Việt Nam 2022 “chui” ở Hạ Long khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền, chính quyền địa phương chấp thuận.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Quang Nam, Chánh Thanh tra Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh, cho biết đơn vị tổ chức là Công ty cổ phần truyền thông và giải trí MC MEDIA (P.Cổ Nhuế, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đến thời điểm này, Sở VH-TT Quảng Ninh chưa từng ra văn bản nào chấp thuận cho cuộc thi người nhan sắc nói trên được diễn ra.

Hôm 6.5, Thanh tra Sở VH-TT Quảng Ninh đã có văn bản mời lãnh đạo Công ty cổ phần truyền thông và giải trí MC MEDIA đến để làm rõ vụ việc.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, từ ngày 2 - 4.5, Miss Yoga Viet Nam 2022 đã được tổ chức vòng bán kết tại một khách sạn ở Hạ Long. Đáng chú ý, sự kiện còn được quảng cáo hoành tráng gắn logo của Tổng cục Du lịch Việt Nam và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn… Tại TP.Hạ Long, chương trình đã diễn ra nhiều hoạt động như gala bán kết Miss Yoga Việt Nam 2022; chụp ảnh trên du thuyền, bãi biển…

Hình ảnh về đêm thi Miss Yoga Việt Nam 2022 tại TP.Hạ Long

NGHĨA HIẾU

Theo như lời quảng cáo trên mạng xã hội, Miss Yoga quy tụ gần 70 nhan sắc yêu thể thao, yêu yoga đã cùng nhau hội tụ về Hạ Long để đua tài và khoe sắc trong 3 ngày từ ngày 2 - 4.5. Đây là lần đầu tiên các thí sinh được gặp nhau kể từ khi họ bắt đầu đăng ký dự thi vào tháng 3.2022.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh), Miss Yoga Việt Nam 2022 có cả hình thức thi và trình diễn ngoài trời nên thẩm quyền chấp thuận là của Sở VH-TT Quảng Ninh.

“Ngày 11.5 Sở VH-TT Quảng Ninh sẽ làm việc với đơn vị tổ chức, nếu có nội dung nào liên quan đến trách nhiệm quản lý của UBND TP.Hạ Long thì chúng tôi sẽ làm rõ”, ông Sơn nói.

Sơn Tùng M-TP bị xử phạt 70 triệu đồng, phải tiêu hủy MV

Ca sĩ Sơn Tùng M-TP không có mặt trong buổi làm việc vào chiều 5.5 với Thanh tra Bộ VH-TT-DL về việc phát hành MV có nội dung tiêu cực. Đại diện Công ty TNHH M-TP Entertainment đã thay ca sĩ Sơn Tùng M-TP làm việc với Thanh tra Bộ VH-TT-DL vào chiều nay.

Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 04/QĐXPVPHC ngày 5.5.2022 xử phạt Công ty TNHH M-TP Entertainment vì đã có hành vi vi phạm lưu hành bản ghi hình There's no one at all trên trang mạng xã hội YouTube có hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

MV mới vừa ra mắt của Sơn Tùng M-TP

TƯ LIỆU

Việc này vi phạm khoản 3 điều 13 nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo với mức phạt là 70 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng yêu cầu Công ty TNHH M-TP Entertainment có trách nhiệm tiêu hủy bản ghi hình There's no one at all; nộp lại số lợi thu từ MV; tháo gỡ bản ghi hình There's no one at all dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số.

Trước đó, ngày 29.4, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL có công văn số 177/NTBD-QLBD&BGAGH đề nghị xử lý tổ chức, cá nhân lưu hành bản ghi âm, ghi hình There's no one at all của ca sĩ Sơn Tùng M-TP trên môi trường mạng. Công văn này được gửi tới Thanh tra Bộ VH-TT-DL và Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT-TT.

Di tích thành Điện Hải trước cuộc "lột xác" chưa từng có

Ngày 7.5, UBND TP.Đà Nẵng cho biết, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh vừa ký quyết định về việc phê duyệt dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải giai đoạn 2 (do Sở VH-TT TP làm chủ đầu tư).

Dự án nhằm bảo tồn tối đa các thành phần, dấu vết cấu thành di tích gốc, tái tạo một phần không gian cảnh quan và thành phần kiến trúc gốc trong khu vực thành nội. Bổ sung một số thành phần kiến trúc mới nhằm làm rõ hơn giá trị gốc của di tích, tôn vinh và phát huy giá trị của di tích trong cuộc sống đương đại.

Rất nhiều công trình xâm hại đến di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, trong đó có công trình Bảo tàng Đà Nẵng hiện hữu

HOÀNG SƠN

UBND TP.Đà Nẵng kỳ vọng, trong giai đoạn 2, dự án sẽ tạo nên một không gian lịch sử, không gian trưng bày, kết nối với Bảo tàng Đà Nẵng (mới) và các địa điểm di tích khác, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, thu hút khách tham quan, du lịch trên cơ sở phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa của TP.Đà Nẵng. Quy mô đầu tư xây dựng dự án trong phạm vi khuôn viên di tích thành Điện Hải, với tổng diện tích 26.519 m2.

Như Thanh Niên đã thông tin, giai đoạn 1 của dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo thành Điện Hải được khởi công từ tháng 3.2018, đến nay đã hoàn thành với việc di dời nhà dân và các công trình liên quan, khôi phục toàn bộ hệ thống tường thành, kè hào cải tạo cảnh quan…

Tuy vậy, giai đoạn 1 vẫn giữ nguyên hiện trạng nhiều công trình. Ở giai đoạn 2 với việc phá dỡ nhiều công trình, đặc biệt là Bảo tàng Đà Nẵng hiện hữu cũng như xây mới thêm nhiều kiến trúc, diện mạo thành Điện Hải sẽ hoàn toàn khác.

Người Huế hân hoan khi 7 đóa sen khổng lồ “tái xuất” trên sông Hương

Ngày 5.5, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thừa Thiên - Huế đã thực hiện hạ thủy 7 đóa sen khổng lồ trên sông Hương. Đây là một trong số các sự kiện đặc biệt trong Đại lễ Phật đản tại Cố đô Huế.

Từ sáng sớm, các vị hòa thượng cùng tăng ni, phật tử đã có mặt tại bờ sông Hương đoạn bia Quốc Học để làm lễ hạ thủy 7 đóa sen hồng. Sau các nghi thức, từng bông sen khổng lồ được ra định vị giữa dòng sông Hương thơ mộng.

Trưa 5.5, 7 đóa sen khổng lồ đã được hạ thủy trên sông Hương

LÊ HOÀI NHÂN

Những đóa sen này được được đặt cách nhau 150 m trên những chiếc phao lớn, cố định đoạn giữa cầu Phú Xuân và cầu Dã Viên. Mỗi đóa sen cao 3,2 m, đường kính gần 8 m. Từng cánh sen trước đó do chính tay tăng ni, Phật tử kết lại, với tổng 168 cánh được làm từ vải lụa hồng.

Những đóa hoa sen khổng lồ này với ý nghĩa cung đón 7 bước sen thị hiện đản sanh của đức Phật. Việc đặt 7 đóa sen trên sông Hương là hoạt động thường niên trước mỗi dịp lễ Phật đản tại Thừa Thiên - Huế, tuy nhiên đây là lần xuất hiện trở lại sau 2 năm dài vắng bóng bởi dịch Covid-19.

Sau khi hạ thủy, những đóa sen giữa lòng sông Hương sẽ được thắp sáng rực rỡ trong đêm, đó không chỉ báo hiệu cho một mùa Phật đản lại về mà còn tôn thêm vẻ đẹp của dòng Hương Giang về đêm, phục vụ du khách ngắm nhìn khi đến với Huế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.