Sự kiện văn hóa tuần qua: Chùa Ba Vàng xin chuyển hệ phái nhưng không được chấp thuận

15/01/2023 07:00 GMT+7

Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết, chùa Ba Vàng đã xin chuyển hệ phái từ Bắc tông sang Phật giáo nguyên thủy, theo phái Nam tông nhưng chưa được chấp thuận.

Trao đổi với PV Thanh Niên về hoạt động chùa Ba Vàng (TP.Uông Bí, Quảng Ninh) trong thời gian vừa qua, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, cho biết chùa Ba Vàng đã xin chuyển hệ phái từ Bắc tông sang Phật giáo nguyên thủy theo phái Nam tông, nhưng chưa được Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh chấp thuận. Việc chuyển hệ phái phải thực hiện theo những quy định của Giáo hội.

Đại lễ Phật đản năm 2022 tại chùa Ba Vàng

ph

Liên quan đến việc Phật tử quỳ lạy cúng dường như trong clip từng xuất hiện tại chùa Ba Vàng dịp lễ Vu Lan, Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết: “Theo Phật giáo nguyên thủy tại một số nước như Lào, Campuchia việc Phật tử dâng vật phẩm, phong bì là bình thường. Tuy nhiên, Phật giáo Bắc Tông trước giờ không có việc đó”.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết thêm, theo Phật giáo Bắc tông, tín đồ Phật tử có thể cúng dường nhà chùa, công đức có nơi ghi nhận kín đáo, trang nghiêm thành kính. Còn theo Phật giáo nguyên thủy, khi đến ngày trai tăng Phật tử dâng vật phẩm, tiền tài, phong bì... ở phía Bắc việc này hơi nhạy cảm.

“Địa phương chưa gặp sự kiện như ở chùa Ba Vàng bao giờ cả, gây ra tranh luận trái chiều trên mạng xã hội. Sau đó, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh có trao đổi với nhà chùa về việc trên. Theo giáo lý Phật giáo nguyên thủy có việc đi khất thực, phật tử dâng thức ăn chín rồi và nhà sư nhận lấy về ăn; trong khi chùa Ba Vàng đăng ký theo Phật giáo Bắc tông”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển nói.

Chia sẻ thêm với PV Thanh Niên, Hòa thượng Thích Thanh Quyết khẳng định, trụ trì chùa Ba Vàng vẫn đang đi rất đúng đạo và là người có công lớn xây lên được chùa này, khang trang, vị thế như bây giờ.

“Phật giáo tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao công lao của Đại đức Thích Trúc Thái Minh khi xây được một ngôi chùa bề thế như thế khi ban đầu trong tay không có gì. Ai dám vất vả để làm được như thế?”, Hòa thượng Thích Thanh Quyết nói.

“Thực chất ra thầy Thích Trúc Thái Minh vẫn đang đi rất đúng đạo, chẳng qua ông có cách làm chúng ta chưa hiểu biết hết thôi. Ông vẫn đang đi rất đúng đắn chứ không có gì. Oan gia trái chủ nhiều khi chúng ta không thường quen nhưng trong kinh Phật có nói đến”, Hòa thượng Thích Thanh Quyết khẳng định.

PGS.TS, Nhà giáo Ưu tú Đặng Anh Đào về cõi "Nhớ và quên"

PGS.TS, Nhà giáo Ưu tú Đặng Anh Đào từ trần hồi 9 giờ 49 ngày 12.1.2023 (tức ngày 21 tháng Chạp năm Nhâm Dần), hưởng thọ 89 tuổi.

PGS.TS, NGƯT, nhà văn - dịch giả Đặng Anh Đào sinh năm 1934 trong một gia đình khoa bảng đời nối đời của dòng họ Đặng làng Lương Điền, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cha bà là GS Đặng Thai Mai, một bậc sư biểu trong nền giáo dục Việt Nam thế kỷ 20.

PGS.TS, NGƯT Đặng Anh Đào (1934 - 2023)

TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Bà vẫn thường tự so sánh một cách hài hước là so với 3 chị gái (PGS Đặng Bích Hà - chuyên gia Sử học Đông Nam Á, PGS Đặng Thị Hạnh - chuyên gia Văn học phương Tây và GS Đặng Thanh Lê - chuyên gia Văn học Việt Nam trung đại) thì bà thuộc "thế hệ những người thất học" (Hồi ký Tầm xuân). 12 tuổi bà theo cha mẹ tản cư kháng chiến. Chiến tranh khiến việc học của bà bị đứt quãng. Bà phải "nhảy cóc" liên tục từ Nghệ An ra Thanh Hóa. Nhưng bà có hạnh phúc là con gái của một bậc thức giả vào hàng “tứ kiệt” xứ Nghệ nên chỉ nhặt chữ rơi vãi trên giá sách của cha cũng đủ trưởng thành. Tất nhiên, để trở thành một nhà khoa học tài danh bà cũng phải nỗ lực tự học hết mình.

Năm 1954 bà Đặng Anh Đào vào học khóa đầu tiên của khoa Ngữ văn - Trường ĐHSP Hà Nội. Tốt nghiệp, bà đi dạy phổ thông, sau đó về bộ môn Văn học nước ngoài khoa Ngữ văn - Trường ĐHSP Hà Nội công tác mấy chục năm liên tục cho đến khi nghỉ hưu. Học trò của bà nhiều người trưởng thành, là những nhà khoa học, nhà quản lý khoa học khắp ba miền đất nước. Một trong số đó có thể kể tên người học trò trực tiếp thụ giáo là GS Lê Huy Bắc - Trưởng khoa Việt Nam học (Trường ĐHSP Hà Nội)…

Những năm cuối đời, dù tuổi cao, sức yếu, PGS.TS vẫn say mê làm việc. Thị lực suy giảm, đi lại khó khăn, bà nhận dạy cao học và hướng dẫn nghiên cứu sinh tại nhà riêng trên phố Lý Nam Đế (Hà Nội).

Bà cũng nhận dịch sang tiếng Pháp cho Hội Nhà văn Việt Nam. Cuốn sách cuối cùng bà chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt là bút ký Bắc Kỳ phong cảnh và ấn tượng (tác giả Hilda Arnhold - một cô gái người Pháp) - dịch chung với Hoàng Thanh Thủy (NXB Kim Đồng, 10.2022).

Ngoài vị thế một giảng viên đại học với những công trình nghiên cứu (Truyện ngắn phương Tây, Balzac và cuộc săn tìm nhân vật chính diện trong Tấn trò đời), dịch giả (Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ XIX) nhà phê bình văn học Đặng Anh Đào còn xuất hiện với những bài viết sắc sảo và tinh tế, bàn luận những vấn đề, hiện tượng văn học nóng bỏng: tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp (chùm truyện ngắn Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết; tập truyện ngắn Tướng về hưu), hay nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận… Những bài phê bình văn học của bà in thành sách Tài năng và người thưởng thức được học giới trân trọng.

Nhà văn Xuân Phượng vào Hội Nhà văn ở tuổi 94

Sáng 10.1 tại Hội nghị tổng kết - Trao giải thưởng Văn học - Kết nạp hội viên mới của Hội Nhà văn TP.HCM, nữ nhà văn Xuân Phượng cùng nhiều hội viên mới khác đã được đứng chân vào đội ngũ các nhà văn TP.HCM.

Với tác phẩm Gánh gánh gồng gồng từng "sốt" khi đoạt 2 giải thưởng cùng lúc của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP.HCM và nhiều tựa sách khác, nhà văn Xuân Phượng đã được kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM ở tuổi 94.

Nhà văn Xuân Phượng xúc động phát biểu cảm xúc khi được vào Hội Nhà văn TP.HCM

QUỲNH TRÂN

Khép lại năm 2022, giữa bao nhiêu vụ mùa, Hội Nhà văn TP.HCM cũng có một vụ mùa văn chương bội thu. Theo nhà văn Bùi Thanh Truyền: "Từ gần 50 tác phẩm tham gia xét giải, 11 tác phẩm được Giải thưởng và Tặng thưởng năm nay, dẫu không phải là tất cả thành quả, nhưng là kết tinh của văn học sau một năm nhiều biến động để lại nhiều ấn tượng. Ấn tượng về sự vượt lên của văn học mảnh đất nghĩa tình sau bao nhiêu mất mát đau thương; ấn tượng về tình yêu, trách nhiệm của văn nhân đối với đất nước, với thành phố thân thương; ấn tượng về sự làm việc đầy trách nhiệm, công tâm của những người xét giải”.

Dịp này, cùng với kết nạp nhà văn Xuân Phượng còn có các hội viên mới: Nhà văn Lưu Vĩ Lân, nhà văn Dương Thành Truyền, nhà thơ Trần Kim Dung, nhà thơ Đinh Nho Tuấn, nhà lý luận và phê bình Nguyễn Tiến Dũng, nhà lý luận và phê bình Từ Xuân Lãnh, dịch giả Phan Thu Vân, dịch giả Hoàng Bá Vy. Hội Nhà văn TP.HCM cũng đã trao thưởng cho các đoạt giải của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2022.

Nhiều sự kiện đặc biệt tại lễ hội đền Trần Thái Bình

Lễ hội đền Trần năm 2023 tại Thái Bình diễn ra trong 5 ngày, từ 3 - 7.2.2023 (từ 13 - 17 tháng giêng năm Quý Mão) tại Khu di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, H.Hưng Hà).

Ngày 9.1, thông tin từ UBND tỉnh Thái Bình cho biết đã ban hành kế hoạch về tổ chức lễ hội đền Trần năm 2023.

Khu di tích đền Trần Thái Bình

t.l

Cụ thể, lễ hội đền Trần tại tỉnh Thái Bình được tổ chức quy mô cấp tỉnh, phần lễ có các hoạt động: Lễ dâng hương tại lăng mộ các vua Trần; tế mở cửa đền; lễ dâng cặp bánh kỷ lục Việt Nam tại đền thờ các vua Trần...

Phần hội diễn ra gồm các nội dung: thi cỗ cá, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần, giải võ cổ truyền tỉnh Thái Bình, triển lãm nhiếp ảnh mỹ thuật tỉnh Thái Bình mừng Đảng, mừng Xuân…

Xem các vị vua nhà Nguyễn thưởng phạt qua Châu bản

Trong triển lãm Thưởng phạt: Chuyện xưa chưa cũ, có nhiều câu chuyện về sự công minh chốn quan trường, hoặc nghi lễ của triều đại nhà Nguyễn.

Khai mạc sáng 11.1, triển lãm Thưởng phạt: Chuyện xưa chưa cũ do Trung tâm lưu trữ quốc gia I (Hà Nội) thực hiện trưng bày 80 văn bản cho thấy những quy tắc thưởng phạt dưới thời Nguyễn. Trong số này có nhiều câu chuyện thú vị. “Triển lãm giới thiệu đến đông đảo công chúng 80 văn bản đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn về chủ đề thưởng - phạt dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Đây là những văn bản lần đầu tiên được công bố, giới thiệu rộng rãi đến công chúng”, bà Nguyễn Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I, cho biết.

Tiền Thành Thái Thông Bảo có khắc thơ dùng để thưởng

NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN

Theo tư liệu triển lãm, lệ nghỉ Tết Nguyên đán được vua Tự Đức phê duyệt từ năm 1874. Điều này còn lưu lại bằng bút phê của nhà vua trên bản Tấu của Bộ Công. Theo đó, mọi người nghỉ từ 28 tháng chạp đến mùng 8 tháng giêng mới làm việc, để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nhà vua cũng cho ngoại lệ, nếu có công việc khẩn cấp không thể hoãn thì xin riêng, vẫn cho làm việc.

Về việc thưởng, một tư liệu khác cho thấy mỗi năm, nhà vua đều có quà thưởng cho quan lại. Thông thường đó là khăn đóng áo dài hoặc vải vóc. Những món quà dịp tết này được trao bằng nghi thức long trọng. Đó là đi trước có một người thừa hành lệnh và theo sau có người mang lọng che. Chiếc lọng ở đây không phải để che nắng mưa cho món quà mà để tăng phần uy nghi cho vật phẩm triều đình này. Bản thân vật phẩm quà tặng có khi chỉ là một trái lê.

Một văn bản khác của Bộ Hộ dưới triều Minh Mạng vào năm 1826 cũng cho biết đầy đủ về việc ban thưởng cho quan lại nhân Tết Nguyên đán. Văn bản có đoạn: “Tết Nguyên đán sắp tới, trẫm sẽ ăn tết cùng các khanh. Ngày hôm đó, truyền ban yến tiệc một bữa và tùy theo thứ bậc mà ban thưởng bạc. Hoàng tử và chư công, mỗi người thưởng 20 lạng; quan văn, quan võ hàm chánh nhất phẩm, mỗi người 12 lạng; tòng nhất phẩm 10 lạng; tòng tam phẩm 4 lạng; chánh tứ phẩm 3 lạng. Thị nội, đội trưởng, suất đội, cai đội… đều được thưởng mỗi người 1 lạng và đều cho dự tiệc”.

Cố GS Đỗ Văn Ninh (Viện Khảo cổ học) sinh thời cho rằng vua Minh Mạng chính là người cho đúc những đồng tiền thưởng có ảnh hưởng tới việc đúc tiền của các vua Nguyễn sau đó.

Trong triển lãm, có thể thấy quan điểm thưởng phạt rõ ràng của các vua triều Nguyễn. Trong số này, “tuyên ngôn” thưởng phạt của vua Minh Mạng được đưa ra trưng bày.

Châu bản triều Nguyễn cho thấy việc ra quyết định khen thưởng hay xử phạt của triều đình dựa vào kết quả thực thi nhiệm vụ. Đối với quan lại, triều đình thực hiện khảo khóa. Kết quả khảo khóa được chia các hạng ưu, bình, thứ, liệt. Trên cơ sở này, triều đình quyết định việc thăng, giáng, lưu. Đô sát viện là cơ quan được thành lập để giám sát quá trình thực thi công vụ của quan lại, qua đó hạn chế lạm quyền, và sai phạm.

Đối với quan lại, việc ban thưởng thường được thực hiện bằng các hình thức: thăng chức; thưởng vật chất (tiền bạc, mũ áo…); cấp kỷ, quân công, trác dị. Châu bản còn cho thấy đối với quan viên, ban thưởng người có công trong lĩnh vực quân sự chiếm tỷ lệ lớn, tiếp đến là ban thưởng người hoàn thành tốt các công việc thường ngày.

Đối với người dân, việc ban thưởng thường dành cho những người đạt tiêu chuẩn về phẩm giá đạo đức như trung, trinh, hiếu, tiết, nghĩa... Bên cạnh đó, những người sống thọ cũng được triều đình đề cao và được gia ân ban thưởng. Hình thức ban thưởng thường là thưởng vật chất (tiền bạc, vải vóc…), ban biển ngạch. Trong các văn bản về ban thưởng dưới triều Nguyễn, số lượng văn bản triều Tự Đức chiếm tỷ lệ lớn.

Trong khi đó, nhiều văn bản trong Châu bản triều Nguyễn cho thấy hình thức phạt tiền đối với quan lại thường dựa trên lương bổng. Số tiền phạt sẽ đem sung công. Hình phạt ngũ hình (xuy hình, trượng hình, đồ hình, lưu hình, tử hình) mang tính chất cảnh cáo, răn đe. Đặc biệt, với tội tham nhũng, các hoàng đế triều Nguyễn kiên quyết trừng trị nặng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.