Sự kiện văn hóa nổi bật tuần qua: Sân khấu cũng chạy theo thành tích

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
23/01/2022 07:00 GMT+7

Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc tại TP.HCM diễn ra từ ngày 3 - 17.1 có 26 vở đến từ 20 đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa ở thành phố tham dự.

Bế mạc Liên hoan Sân khấu toàn quốc, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì “cơn mưa” huy chương. Và từ chuyện này, có thể thấy rằng sân khấu hiện nay cũng bị “bệnh” chạy theo thành tích đến mức đáng buồn.

Trong một liên hoan (chỉ khu vực TP.HCM) mà có 6 vở huy chương vàng, 5 vở huy chương bạc, và 8 vở huy chương đồng. Giải cá nhân diễn viên thì có 40 huy chương vàng, 46 huy chương bạc, 19 huy chương đồng. Con số cho thấy sân khấu quá “lý tưởng”. Thế nhưng, thực chất có lẽ chỉ chừng phân nửa số lượng này là xứng đáng.

Đây là câu chuyện đã kéo dài trong rất nhiều liên hoan trước, và dư luận lên tiếng nhiều nhưng tình trạng vẫn không thay đổi, thậm chí còn “nặng” hơn. Vì thế, tấm huy chương trở nên ít giá trị.

Kịch sử Thành Thăng Long thuở ấy đoạt huy chương vàng Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2022, được đánh giá rất xứng đáng

H.K

Thế nhưng, nó vẫn có “giá trị” ở chỗ: được dùng làm cơ sở để xét phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân. Nhiều nghệ sĩ mong muốn có huy chương, sau đó lại mong muốn được nhận danh hiệu. Tất nhiên, nếu danh hiệu xứng đáng với tài năng thì không có gì phải bàn. Trên thực tế, có người dù vẫn chưa có danh hiệu nhưng ai cũng công nhận xứng đáng ưu tú… đến mấy lần, chẳng hạn như đạo diễn Ái Như. Mặt khác, nếu danh hiệu chỉ đơn thuần căn cứ trên huy chương thì hóa ra nó cũng chỉ là thành tích ảo, bởi nghệ sĩ đó chưa được công chúng chấp nhận, hoặc có thể chỉ chấp nhận ở tầm thấp hơn danh hiệu. Vậy nên, chưa có lúc nào huy chương lẫn nghệ sĩ ưu tú nhiều như lúc này. Ngược lại, nhiều tài năng nhưng không có cơ hội dự thi lại thiệt thòi.

Kết quả liên hoan: Huy chương vàng: Mưa bóng mây (Công ty Hero), Bao giờ mẹ lấy chồng (Sân khấu Thế Giới Trẻ), Câu hò đất mẹ (Công ty Phiêu Linh), Khóc giữa trời xanh (Công ty Sử Việt), Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế Giới Trẻ - Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), Thành phố tình yêu (Nhà hát Kịch TPHCM). Huy chương bạc: Nắng chiều (Sân khấu Quốc Thảo), Bạch Hải Đường (Sân khấu Hoàng Thái Thanh), Mảnh vỡ (Sân khấu Sen Việt), Tình lá diêu bông (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B), Ngôi nhà trên thuyền (Sân khấu Phú Nhuận).

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch vào lúc 0 giờ ngày 22.1.2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu) tại Tổ đình Từ Hiếu, TP.Huế.

Rạng sáng nay 22.1, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dẫn nguồn từ Cộng đồng Làng Mai Quốc tế thông báo Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại chùa Từ Hiếu (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế) lúc 0 giờ ngày 22.1.2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu).

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ nước ngoài trở về chùa Từ Hiếu vào tháng 10.2018 và an trú từ đó đến nay. Trước đó, khi hồi phục sau đợt tai biến, từ Pháp ngài về Làng Mai tại Thái Lan và ở đó một thời gian.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

T.L

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông xuất gia vào năm 16 tuổi ở chùa Từ Hiếu (nay P.Thủy Xuân, TP.Huế), thọ giáo với Hòa thượng Thanh Quý.

Trong cuốn sách Thế giới Phật giáo (The Buddhist World) của GS.TS Phật học John Powers (một học giả Phật học người Úc) do Nhà xuất bản Routledge Worlds ấn hành, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được chọn là một trong 13 vị thầy đã góp phần vào sự hình thành và phát triển của đạo Phật (Bụt) trên toàn thế giới trong suốt quá trình 2.500 năm lịch sử của Phật giáo.

Trong sách này, GS.TS Phật học John Powers chọn Đức Phật Thích ca Mâu ni là vị thầy đầu tiên và Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị thầy thứ 10, vị thầy thứ 11 kế sau đó là Hòa thượng Ấn Thuận (Master Yinshun); 12 là Đức Đạt Lai Lạt Ma và 13 là Buddhadãsa Bhikkhu. Đây là công trình mang tính hàn lâm, rất quy mô do các vị học giả Phật học nổi tiếng thế giới hiện nay thực hiện.

Thực hiện theo di nguyện của Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, tang lễ sẽ được tổ chức theo nghi thức tâm tang. Môn đồ, pháp quyến Tổ đình Từ Hiếu cũng có tâm nguyện tổ chức tang lễ của Trưởng lão Hòa thượng theo di nguyện của ngài.

20 năm Việt Nam - Mỹ hợp tác bảo tồn văn hóa

Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đang tổ chức trưng bày bộ sưu tập ảnh bên ngoài tòa lãnh sự ở số 4 đường Lê Duẩn, Q.1, theo đó ghi lại toàn bộ các dự án thuộc Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ Mỹ (AFCP).

Được thực hiện từ năm 2001, AFCP tổng cộng tài trợ hơn 1,22 triệu USD (27,7 tỉ đồng) cho 15 dự án. Mỗi khoản tài trợ góp phần bảo tồn các khía cạnh khác nhau của di sản văn hóa vô cùng đa dạng của Việt Nam, từ vật thể đến phi vật thể.

Ông Anthony Jones - Tùy viên văn hóa - thông tin - giáo dục Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM

TLS

Theo ông Anthony Jones - Tùy viên văn hóa - thông tin - giáo dục Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, bộ sưu tập ảnh không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa Việt Nam mà còn nêu bật các nỗ lực to lớn trong việc hợp tác bảo tồn văn hóa giữa Việt Nam - Mỹ. “Mọi chuyện bắt đầu bởi vì Mỹ cam kết ủng hộ sự đa dạng về khía cạnh tổng thể và tôn trọng văn hóa của các nước khác”, ông Jones cho biết. Theo viên chức Mỹ, tất cả dự án được thực hiện trong những năm qua đều vô cùng có giá trị. Phái bộ ngoại giao Mỹ tại Việt Nam không những tìm kiếm những chủ đề phù hợp chính sách ngoại giao của Mỹ, mà còn là những dự án nhằm tôn trọng và góp phần gìn giữ nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc của Việt Nam. Trong số các dự án được triển khai tại Việt Nam, quy mô tài trợ lớn nhất thuộc về công trình trùng tu Triệu Tổ Miếu ở Thừa Thiên - Huế năm 2014.

Trị giá 700.000 USD vào thời điểm thực hiện, dự án mất khoảng 2 năm mới hoàn thành. Ông Jones cũng cho rằng đây từng là một trong những công trình đẹp nhất mà AFCP từng hỗ trợ bảo tồn tại Việt Nam.

Mỗi năm vào mùa thu, phái bộ ngoại giao Mỹ lại kêu gọi các bên quan tâm hãy nộp đề án yêu cầu tài trợ từ AFCP. Đích thân đại sứ Mỹ chọn dự án để trình lên Trung tâm di sản văn hóa tại thủ đô Washington D.C. Và trung tâm này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Năm 2021, Đại biện lâm thời Marie Damour là người đưa ra quyết định cuối cùng trong thời gian chờ tân đại sứ Mỹ đến Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án đang được triển khai vấp phải sự đình trệ. Tuy nhiên, phái bộ ngoại giao Mỹ linh hoạt điều chỉnh khung thời gian thực hiện, nhằm đảm bảo đến cuối cùng dự án vẫn triển khai trót lọt.

Tùy viên Jones cho hay Mỹ ưu tiên lựa chọn những dự án phù hợp với mục tiêu bảo tồn sự đa dạng và tôn trọng bản sắc văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó, tân Đại sứ Mỹ Marc Knapper, dự kiến đến Việt Nam cuối tháng 1, là người đam mê bảo tồn văn hóa. Vì thế, ông Jones cho rằng ngài đại sứ sẽ hết sức quan tâm và tích cực vận động cho các dự án tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cây táo nở hoa đoạt giải Mai Vàng 2021

Tối 20.1, lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 27-2021 đã diễn ra tại Nhà hát TP.HCM. Dựa vào thực tế hoạt động văn hóa - nghệ thuật trong năm và mức độ quan tâm của công chúng là bạn đọc Báo Người Lao Động, Ban tổ chức giải Mai Vàng đã trao 12 hạng mục, gồm: Ca khúc được yêu thích nhất: Bậu ơi đừng khóc (Hamlet Trương); MV (video ca nhạc) được yêu thích nhất: Chim quý trong lồng (đạo diễn: Đặng Văn Thắng - Trần Duy Long, nhà sản xuất K-ICM, ca sĩ Văn Mai Hương, diễn viên Lê Bống); Chương trình truyền hình được yêu thích nhất: Siêu trí tuệ Việt Nam (HTV2); Diễn viên sân khấu - truyền hình được yêu thích nhất: Võ Minh Lâm (vai vua Priêm, vở Nàng Xê Đa).

Đại diện đoàn phim Cây táo nở hoa nhận giải cùng nam - nữ diễn viên truyền hình - điện ảnh được yêu thích

Q.LIÊM

Diễn viên hài được yêu thích nhất: Hồng Trang (vai Tý, vở Mong ước đêm trăng); Vở diễn sân khấu - truyền hình được yêu thích nhất: Nàng Xê Đa (đạo diễn Hoa Hạ); Người dẫn chương trình được yêu thích nhất: Ngô Kiến Huy; Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca - truyền thống cách mạng được yêu thích nhất: cố ca sĩ Phi Nhung; Ca sĩ hát nhạc nhẹ được yêu thích nhất: Noo Phước Thịnh; Nam diễn viên điện ảnh - truyền hình được yêu thích nhất: Ngô Kiến Huy (vai Hoàng và Jessica Hoàng Anh, phim Em là của em); Nữ diễn viên điện ảnh - truyền hình được yêu thích nhất: Thúy Ngân (phim Cây táo nở hoa); Bộ phim điện ảnh - truyền hình được yêu thích nhất: Cây táo nở hoa (Việt hóa từ phim Hàn, đạo diễn: Võ Thạch Thảo).

Ngoài ra, Mai Vàng năm nay có thêm các giải thưởng mới được trao: Tác phẩm văn hóa nghệ thuật (văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật...): Bộ tranh Sài Gòn những ngày giãn cách - họa sĩ Lê Sa Long và truyện thiếu nhi Cà Nóng chu du Trường Sa - tác giả Bùi Tiểu Quyên; Nghệ sĩ vì cộng đồng: MC Quyền Linh và Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng: NSND Kim Cương; Chương trình, tác phẩm văn hóa - nghệ thuật phục vụ cộng đồng trong phòng chống dịch Covid-19: MV Sống như tia nắng mặt trời của Đình Bảo và nhiều nghệ sĩ, Tiếng kèn saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trong chương trình Mang âm nhạc đến các bệnh viện dã chiến, Chương trình truyền hình HTV từ tâm dịch.

Thăng Long tứ trấn trở thành di tích quốc gia đặc biệt

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 12).

Theo đó, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn, gồm đền Bạch Mã (Q.Hoàn Kiếm), đền Voi Phục, đền Quán Thánh (Q.Ba Đình), đền Kim Liên (Q.Đống Đa) thuộc TP.Hà Nội trở thành di tích quốc gia đặc biệt.

Đền Quán Thánh thuộc di tích Thăng Long tứ trấn

T.L

Các di tích quốc gia đặc biệt còn lại gồm: Di tích lịch sử Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo TX.An Khê, H.Đak Pơ, H.Kbang và H.Kông Chro, tỉnh Gia Lai; Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, H.Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh; Di tích lịch sử Khu di tích lịch sử cách mạng VN - Lào, H.Yên Châu, tỉnh Sơn La. Đợt công nhận này còn có Di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049, H.Sa Thầy và H.Đắk Tô, tỉnh Kon Tum bổ sung vào di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh xếp hạng tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Lễ trao giải Grammy dời sang ngày 3.4 tại Las Vegas

Lễ trao giải Grammy 2022 tôn vinh những nghệ sĩ đạt đỉnh cao trong âm nhạc được dời sang ngày 3.4 tại Las Vegas (Mỹ), Học viện Ghi âm và đài truyền hình CBS cho biết hôm 18.1.

Ban tổ chức giải Grammy đã ấn định sẽ tổ chức lễ trao giải vào ngày 31.1 tại thành phố Los Angeles nhưng phải hủy vì biến thể Omicron gây ra làn sóng nhiễm Covid-19 mới.

Lễ trao giải Grammy 2022 sẽ diễn ra ngày 3.4 tại Las Vegas

REUTERS

Lễ trao giải Grammy 2021 cũng bị hoãn lại vì đại dịch Covid-19. Buổi lễ được tổ chức vào tháng 3 thay vì tháng 1.2021, bao gồm sự kết hợp của các đoạn ghi âm, ghi hình trước và trực tiếp trước một lượng khán giả giới hạn.

Việc dời ngày trao giải Grammy 2022 buộc phải thay đổi lịch tổ chức CMT Music Awards vốn được lên lịch vào 3.4. Đại diện kênh CBS cho biết lễ trao giải CMT Music Awards sẽ dời qua cuối tháng 4.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.